Thứ tư, 25/10/2023 11:03

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý và điều hành dự án dầu khí tại sa mạc Sahara

Dự án khai thác và phát triển mỏ Bir Seba, Lô 433a và 416b có vị trí đặc biệt khó khăn khi nằm giữa sa mạc Sahara. Để hỗ trợ việc quản lý và triển khai dự án, nhóm chuyên gia thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã nghiên cứu, thiết kế và xây dựng thành công hệ thống thông tin hợp nhất dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép ứng dụng và quản trị tập trung nhiều hệ thống phần mềm, giúp việc quản lý và điều hành việc thăm dò, khai thác dầu khí thuận lợi và hiệu quả.

Phát triển mỏ ở những nơi khắc nghiệt

Ngày 10/02/2009, thay mặt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVEP cùng các đối tác là: Tập đoàn PTTEP Algeria Ltd. (Thái Lan), Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) đã ký kết thoả thuận thành lập Công ty Liên doanh điều hành chung Groupement Bir Seba để phát triển khai thác mỏ Bir Seba thuộc hợp đồng dầu khí Lô 433a và 416a, khu vực Touggourt, sa mạc Sahara (Algeria). Với 40% cổ phần, đây là dự án thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài đầu tiên do PVEP trực tiếp điều hành.

Mỏ Bir Seba nằm ở khu vực Hassi Messaoud thuộc tỉnh Ouargla, là một phần của sa mạc Sahara - sa mạc lớn nhất thế giới nên điều kiện rất  khắc nghiệt và khó khăn. Đây là dự án phát triển mỏ được xếp vào dạng dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Dự án tại Lô 433a và 416b được PVEP triển khai, từ việc tham gia đấu thầu quốc tế, trực tiếp điều hành trong giai đoạn thăm dò thẩm lượng (từ năm 2003 đến 2008). Được biết, trong quá trình triển khai Dự án cũng như khi đi vào khai thác, những người lao động dầu khí của PVEP và các đối tác liên doanh đã phải trải qua vô vàn khó khăn, thách thức về điều kiện tự nhiên và khí hậu của sa mạc Sahara cũng như những hiểm nguy do tình hình trật tự an toàn xã hội của Algeria có giai đoạn rất bất ổn. Hiện nay, mỗi ngày mỏ  này đang khai thác khoảng 18.000- 20.000 thùng dầu, với chi phí thấp hơn chi phí dự kiến ban đầu khi xây dựng dự án.

Tổng Giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải (áo đỏ) chỉ đạo triển khai hoạt động tại dự án mỏ Bir Seba.

Ứng dụng công nghệ tích hợp phục vụ quản lý và điều hành

Việc tổ chức điều hành và quản lý của dự án được chia thành các bộ phận với các chức năng chuyên biệt, phối hợp với nhau để triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất an toàn và liên tục. Do điều kiện làm việc khắc nghiệt và 3 khu làm việc  chính cách nhau rất xa nên các nhà khoa học của PVEP đã đề xuất cần phải xây dựng phần mềm công nghệ có tính tích hợp cao phục vụ việc quản lý và điều hành chung dựa trên các tiêu chí: tập trung các tính năng cấp thiết phù hợp với điều kiện sa mạc, có khả năng phát triển mở, bảo mật. Đặc biệt, phần mềm được tích hợp tính năng trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI giúp tăng cường hiệu quả và khả năng ứng dụng cho người sử dụng.

Để tăng tính kết nối và tích hợp giữa các bộ phận tại sa mạc và đảm bảo tính sẵn sàng, ứng dụng mọi lúc, mọi nơi,   hỗ trợ ra quyết định quản trị ngay cả khi đang di chuyển trên sa mạc, cần thiết kế giải pháp tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin theo phương hướng hợp nhất trên hệ sinh thái thiết bị; đồng thời phát triển các tính năng tập trung cấp thiết với tính sẵn sàng cao. Giải pháp được triển khai tối đa trên hệ sinh thái thiết bị công nghệ tại dự án bao gồm điện thoại, đồng hồ thông minh, thiết bị máy tính, để thực hiện cần lựa chọn ngôn ngữ lập trình. Đối với điện thoại thông minh, nhóm nghiên cứu đã dùng kỹ thuật lập trình  đa nền tảng Xamarin để phát triển. Đối với ứng dụng web, các tác giả cân nhắc dùng ngôn ngữ lập trình asp.net… Các phần mềm được nhóm nghiên cứu thiết kế, tích hợp trong một giao diện hợp nhất và quản trị tự động. Các kỹ sư triển khai dự án với trợ lý ảo có thể kết nối truy cập ứng dụng thông qua các thiết bị, máy tính, điện thoại và đồng hồ thông minh để truy cập theo chức năng nhóm công việc chuyên môn của mình. Thiết bị trợ lý ảo cũng giúp tối ưu hiệu suất các hệ quản trị số,  nâng cao an toàn hệ thống và hỗ trợ thông tin theo nguồn kịch bản và nguồn tự học có giám sát. Để kiểm soát và quản lý, trợ lý ảo được thiết kế hoạt  động bằng mô hình cây quyết định với các lĩnh vực hoặc chức năng.

Sơ đồ thiết kế giải pháp tổng hợp.

Mô hình cây quyết định cho trợ lý ảo hoạt động.

Ông Lê Đức Trung - cán bộ thuộc PVEP cho biết, là nghiên cứu mới về ứng dụng AI trong quản lý và điều hành, có giao diện là trợ lý ảo đầu tiên tự phát triển bằng nguồn lực nội bộ và đã áp dụng thành công tại nước ngoài… đã khẳng định sự quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ của PVEP là hướng đi đúng. Đây cũng là bước đi tiên  phong của đội ngũ cán bộ PVEP trong việc nghiên cứu và phát triển trợ lý ảo ứng  dụng công nghệ AI với các tính năng chuyên sâu như: dự đoán sản lượng dầu khí, sử dụng hệ thống trợ lý ảo để  điều khiển và quản trị hệ thống. Trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm tại hiện trường, hệ thống này còn nhiều tiềm năng nâng cấp và phát triển như các tính năng sử dụng công nghệ AI để lựa chọn các giải pháp thu hồi dầu, hỗ  trợ cắm giếng tự động, bảo trì tiên đoán trữ lượng dầu khí…

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)