Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, thời cơ đã chín muồi cho sự phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn và nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ này, Việt Nam sẽ nâng tầm được vị thế của đất nước. Đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Trong đó, trước hết là những giải pháp về mặt thể chế. Bộ GD&ĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Bộ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần chuyển tải tinh thần phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn xuống đến từng chuyên gia, từng nhân viên; các đơn vị cần đưa ra các ý tưởng sẽ làm trong thực tế trong năm 2024 nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tại (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)… Giai đoạn 2019-2022, số tuyển sinh mới của sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Hai lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%); công nghệ, kỹ thuật (10,6%). Các ngành phù hợp với ngành công nghiệp chip bán dẫn (điện tử - viễn thông, vi điện tử…) tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm (gia tăng trung bình 7%/năm); các ngành gần với ngành công nghiệp chip bán dẫn (cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…) tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm (gia tăng trung bình 10%/năm).
Để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn; cần có cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại…; cần có chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục (phần mềm mô phỏng, thiết kế…) phù hợp...
Lễ ký kết biên bản hợp tác liên minh giữa 5 cơ sở giáo dục đại học.
Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng ký kết Biên bản Hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.
KĐ