Thứ tư, 18/10/2023 16:26

Phát triển công nghệ khai thác đất hiếm ở Việt Nam còn nhiều ý kiến trái chiều

Mặc dù là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp có giá cao, tuy nhiên, việc khai thác đất hiếm tại Việt Nam cũng còn nhiều ý kiến trái chiều, nhất là vấn đề giá trị kinh tế, môi trường… Để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển công nghiệp đất hiếm, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức hội thảo: “Đất hiếm Việt Nam - Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng” nhằm nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, mặc dù là nguồn nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, nhưng giá trị giao dịch chỉ khoảng 10 tỷ USD một năm. Với trữ lượng đất hiếm được đánh giá là đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc), Việt Nam đang được coi như một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai.

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm, Đảng và Nhà nước ta đã chú ý cho thăm dò đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay. Tuy vậy, đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm - một lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ. Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ một số vấn đề về tiềm năng của đất hiếm Việt Nam (trữ lượng và giá trị các nguyên tố trong đất hiếm Việt Nam); việc đầu tư khai thác đất hiếm; tiềm lực công nghệ trong nước để chế biến đất hiếm…

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi và thảo luận các vấn đề: tổng quan về khoáng sản đất hiếm tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tình hình khai thác đất hiếm trên thế giới và thực trạng công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam; thành tựu nghiên cứu, chế biến quặng đất hiếm tại Viện Công nghệ Xạ hiếm (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam); kết quả nghiên cứu về đất hiếm ở Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)… vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến đất hiếm; giá trị kinh tế của đất hiếm sau khi khai thác, chế biến và tinh chế…

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cảm ơn các ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học. Bộ trưởng cho rằng, việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến các nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất hiếm được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/07/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Do đó, các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ KH&CN cùng Viện Hàn lâm KH&CN tham khảo có báo cáo kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về vấn đề khai thác và chế biến đất hiếm ở Việt Nam trong tương lai.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)