Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn.
Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học của Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra hơn 140 giống cây trồng các loại và gần 40 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận đưa vào sản xuất. Các sản phẩm nghiên cứu này đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần quan trọng vào phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Theo ước tính, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua. Chính nhờ khoa học và công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của cả nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng “xanh”, ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công - tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp. Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 năm 2021 (COP26) về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó có nội dung liên quan chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu này và sự phát triển bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu.
Tại Việt Nam, các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được cải thiện. Để nông dân có thể tiếp cận kịp thời và công bằng với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Đó là củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế.
CT