Ban tổ chức trao thưởng cho các thí sinh giành Giải Đặc biệt.
Năm nay, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được 672 sản phẩm của 283 trường thuộc 25 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, bao gồm: 125 sản phẩm phần mềm tin học, 173 sản phẩm thân thiện với môi trường, 90 sản phẩm bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, 144 sản phẩm đồ dùng dành cho học tập và 140 sản phẩm dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em.
Ban tổ chức Cuộc thi đã quyết định trao tặng 84 giải thưởng. Trong đó, Giải đặc biệt được trao cho đề tài “Về với cội nguồn” của nhóm tác giả: Lưu Diệu Anh (Lớp 6N, trường THCS Huy Văn, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Anh Trang (Lớp 3A1, Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội), Phạm Thùy Dương (Lớp 8A4, Trường THCS Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), Đoàn Ngọc Quang (Lớp 3P, Trường Tiểu học Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) và Đỗ Quang Nam Khánh (Lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 5 giải Nhất, 8 giải Nhì, 20 giải Ba và 50 giải Khuyến khích. 65 mô hình và sản phẩm được lựa chọn để tiếp tục tham dự Cuộc thi Sáng tạo trong thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc.
Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Năm nay, số lượng trường tham dự tăng 17%, số lượng sản phẩm dự thi tăng 20% so với năm 2022. Cả 5 lĩnh vực dự thi đều có nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo rất phong phú của các em học sinh, một số sản phẩm có hàm lượng khoa học rất tốt. Nhiều sản phẩm đăng ký dự thi có ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các bộ cảm ứng để điều khiển, vận hành một cách chính xác. Điều này chứng tỏ các em ngày càng tiếp cận tới những tiến bộ mới. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin có tính ứng dụng cao, hỗ trợ việc học tập một cách tích cực và hiệu quả. Một số sản phẩm có thể ứng dụng để giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông của Hà Nội.
Bắc Lê