1. Giáo trình Điện tử cơ bản: Lý thuyết và thực hành
Trong thế kỷ 21, công nghệ số hóa, thế giới phẳng ngày càng hiện hữu ở mọi mặt của đời sống xã hội. Các sản phẩm số hóa và thiết bị công nghệ điện tử trên thị trường ngày càng đa dạng, tinh xảo, nhỏ gọn, tiện ích. Việc trang bị kiến thức cơ bản về các linh kiện điện tử là rất cần thiết cho sinh viên các ngành kỹ thuật như điện, điện tử, ô tô, cơ khí... Giáo trình “Điện tử cơ bản: Lý thuyết và thực hành” được biên soạn nhằm phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên các ngành điện, điện tử và là tài liệu tham khảo cho sinh viên các ngành kỹ thuật khác có liên quan.
Nội dung giáo trình được chia làm 6 chương:
Chương 1: Linh kiện thụ động, cung cấp kiến thức về cấu tạo, phân loại và chức năng của điện trở, tụ điện, cuộn cảm.
Chương 2: Chất bán dẫn điện - diode bán dẫn, giới thiệu về đặc tính chất bán dẫn, nguyên lý hoạt động, phân loại và ứng dụng các loại diode.
Chương 3, 4: Transistor mối nối lưỡng cực - BJT, transistor hiệu ứng trường, trình bày cấu tạo, nguyên lý hoạt động, cách phân cực định chế độ làm việc, các cách mắc mạch cơ bản.
Chương 5: Linh kiện có vùng điện trở âm, giới thiệu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của SCR, UJT, Diac, Triac.
Chương 6: Mạch khuếch đại thuật toán, hướng dẫn nguyên lý hoạt động và các mạch ứng dụng của mạch khuếch đại thuật toán.
2. Giáo trình Máy điện
Ngày nay, máy điện được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải. Dựa trên tài liệu tham khảo của các chuyên gia đầu ngành, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn “Giáo trình Máy điện”. Nội dung giáo trình tập trung về máy điện tĩnh, máy điện quay xoay chiều, máy điện một chiều và các loại máy điện khác đã và đang được ứng dụng trong thực tế. Nội dung giáo trình được chia làm 6 chương:
Chương 1: Khái quát chung về máy điện, giới thiệu các khái niệm cơ bản về máy điện, phân loại máy điện, một số định luật cơ bản, vật liệu điện dùng trong máy điện và làm mát máy điện.
Chương 2: Máy biến áp, trình bày khái niệm, cấu tạo và nguyên lý làm việc của máy biến áp; phân tích và xây dựng mô hình, sơ đồ thay thế của máy biến áp, đồng thời phân tích và thí nghiệm các chế độ không tải, ngắn mạch và chế độ làm việc của máy biến áp.
Chương 3: Máy điện không đồng bộ, trình bày khái niệm, cấu tạo của máy điện không đồng bộ bao gồm động cơ bộ và máy phát không đồng bộ. Phân tích từ trường của dây quấn một pha, ba pha để giải thích nguyên lý làm việc của máy điện không đồng bộ…
Chương 4: Máy điện đồng bộ, trình bày khái niệm, cấu tạo và nguyên lý làm việc của máy điện đồng bộ, phản ứng phần ứng và phương pháp hòa đồng bộ của máy phát điện đồng bộ.
Chương 5: Máy điện một chiều, giới thiệu khái niệm, cấu tạo và nguyên lý làm việc của máy điện một chiều, tia lửa điện trên cổ góp và biện pháp khắc phục, mở máy và điều chỉnh tốc độ của máy điện một chiều.
Chương 6: Các máy điện khác, giới thiệu một số máy điện đặc biệt động cơ vạn năng, động cơ bước và máy phát tốc.