Thứ hai, 14/08/2023 15:44

Trường Đại học Cần Thơ: Bảo tồn và phát triển giống cá niên

Dương Nhựt Long, Dương Thúy Yên, Nguyễn Hoàng Thanh

Trường Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ

Thông qua việc thực hiện một nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết ở địa phương, Trường Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai thực hiện thành công đề tài: “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) ở địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bảo tồn nguồn sản vật quý

Cá Niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) - còn được gọi là cá sỉnh cao hay cá mát, là một loài cá nước ngọt trong chi cá sỉnh thuộc họ cá chép. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cá Niên có hình thái khá giống cá chép nhưng thon hơn, khi cá trưởng thành có chiều dài từ 15-25 cm. Thân cá Niên có dạng dẹt, màu ánh bạc, phần vây pha chút màu vàng nhạt; phần miệng có vi đỏ kèm theo nhiều hạt trắng tròn. Thịt cá Niên trắng, thơm, không tanh và chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe. Theo Sách đỏ thế giới (IUCN), cá Niên được xếp vào nhóm sắp bị đe dọa (Near Threatened) do sự suy giảm nhanh về số lượng trong tự nhiên, hậu quả của tình trạng khai thác tận diệt.

Hình dạng bên ngoài của cá Niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881)

Trước thực trạng trên, các nhà khoa học của Trường Thủy sản đã đề xuất và được Sở KH&CN tỉnh Kon Tum giao triển khai đề tài: “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Niên (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum”. Trong đó tập trung nghiên cứu về thành phần loài, đặc điểm sinh học, sinh sản, ương và nuôi thương phẩm nguồn giống cá Niên. Qua đó góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi thủy sản; đồng thời làm cơ sở khoa học cho nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá Niên và phát triển thành đối tượng nuôi quan trọng trong cơ cấu ngành hàng thủy sản của Kon Tum.

Hiệu quả mang lại

Sau 2 năm triển khai, các nhà khoa học thuộc Trường Thủy sản đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Cụ thể, đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Niên đạt hiệu quả cao, thích ứng với điều kiện sinh thái tự nhiên và biến đổi khí hậu ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là cơ sở khoa học quan trọng làm nền tảng căn bản cho các hoạt động nghiên cứu tiếp theo về loài cá Niên bản địa trên các khía cạnh: (1) Bảo vệ và khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn gen cá Niên bản địa quý hiếm cho khu vực Tây Nguyên; (2) Xây dựng cơ sở dữ liệu về các mô hình, phương thức nuôi (đơn, ghép) hiệu quả; (3) Đánh giá tác động của các giải pháp công nghệ và quản lý nhằm nâng cao năng suất, khả năng thích ứng với môi trường… để khai thác hiệu quả nguồn lợi này; (4) Đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả giá trị tiềm năng đất, nước, nguồn lợi thủy sản bản địa, đặc biệt là loài cá Niên trong điều kiện sản xuất ở quy mô nông hộ (mô hình sinh kế chính của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi). Sản phẩm cá có chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm cùng mô hình sản xuất; (5) Định hướng quy hoạch, phát triển và ứng dụng hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển bền vững mô hình sản xuất cá Niên cho các vùng đất có điều kiện sinh thái tương tự như huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá Niên đã được Trường Thủy sản chuyển giao cho người dân và doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, các nhà khoa học của Trường Thủy sản đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá, hỗ trợ cải tạo ao nuôi, kiểm tra và hỗ trợ các hộ dân chăm sóc và phòng bệnh cho cá trong điều kiện cụ thể... Sau 4 tháng thả nuôi, cá bố mẹ đạt kích cỡ 80-120 con/kg. Cá có sức sinh sản khá cao, dao động từ 72.126-81.724 trứng/kg cá cái. Trứng cá Niên được ấp nhân tạo với tỷ lệ trứng thụ tinh trên 86%, tỷ lệ nở trên 60%. Hiện nay, các nhà khoa học đang triển khai chuyển giao quy trình nuôi cá Niên thương phẩm cho các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản trong vùng để cung cấp cho thị trường, góp phần đa dạng đối tượng nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương.

Kết quả của đề tài đã giúp bảo tồn và khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn gen cá Niên bản địa quý hiếm trên địa bàn tỉnh Kon Tum; đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho địa phương để đa dạng hóa các mô hình sản xuất; từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào ở tỉnh Kon Tum nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Thành công của đề tài cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Trường Đại học Cần Thơ về việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng khi chọn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) làm địa bàn xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ của Trường tại khu vực Tây Nguyên, qua đó khẳng định vị thế của Trường là một trong những trường đại học có chất lượng cao của Việt Nam, nằm trong nhóm các trường có thế mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được ghi nhận trong khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)