Xu thế chuyển đổi số trong phát triển đất nước
Trong một thập kỷ gần đây, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Để có sự phát triển mạnh mẽ này, Việt Nam đã tập trung phát triển các nền tảng quan trọng sau:
Tăng cường hạ tầng viễn thông và mạng internet: Việt Nam đang chú trọng nâng cao hạ tầng viễn thông và mạng internet trên toàn quốc. Việc triển khai mạng viễn thông 5G, gia tăng tốc độ cũng như phạm vi phủ sóng mạng internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dịch vụ và ứng dụng số.
Thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số: các công ty công nghệ gia tăng đầu tư và phát triển nền tảng công nghệ tại Việt Nam. Sự phổ biến của các dịch vụ thanh toán trực tuyến và ví điện tử trong thương mại điện tử đã trở thành những lực lượng dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số.
Phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh: đã mở ra cơ hội cho việc tiếp cận dịch vụ số và thông tin điện tử. Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường điện thoại di động phát triển nhanh nhất thế giới (trên 73 triệu máy điện thoại di động, tương đương 75% dân số), tạo đà thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng di động và giao dịch trực tuyến.
Khuyến khích tư duy sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và ưu đãi để khuyến khích sự sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ. Việc tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khởi nghiệp công nghệ và sự hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số.
Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu: sự phát triển của chuyển đổi số cũng đặt ra những thách thức về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Việt Nam đang tăng cường những biện pháp và chính sách nhằm đảm bảo an toàn thông tin và sự riêng tư cho người dùng.
Chú trọng sự đa dạng, bao phủ và lan tỏa rộng rãi: các nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam hướng đến sự đa dạng và bao phủ rộng rãi, không chỉ tập trung vào các thành phố lớn mà còn mở rộng đến cả vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh. Điều này đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận và tận dụng lợi ích từ chuyển đổi số.
Nền tảng IPPlatform
Thông tin SHCN có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, phát triển các đối tượng SHCN, quá trình xác lập quyền SHCN, quá trình quản lý các tài sản trí tuệ (TSTT) của doanh nghiệp; khai thác, sử dụng các đối tượng SHCN. Trong bối cảnh chưa có tổ chức trung gian nào có cơ sở dữ liệu đầy đủ và thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin SHCN theo yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp, Viện KHSHTT đã phối hợp với Cục SHTT, Công ty MITEC và các đối tác đề xuất và đã được Bộ KHCN giao thực hiện dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng SHCN và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa” thuộc Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Kết quả quan trọng nhất của dự án là đã xây dựng được nền tảng IPPlatform.
Sự ra đời của nền tảng IPPlatform có ý nghĩa quan trọng trong việc lan toả rộng rãi quá trình chuyển đổi số từ trung ương đến các địa phương. Đây là cơ sở ban đầu để phát triển các công cụ khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động cung cấp/sử dụng dịch vụ SHTT và hoạt động phát triển TSTT của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nền tảng IPPlatform bao gồm:
Nền tảng dữ liệu SHCN: được tích hợp từ dữ liệu về đối tượng SHCN đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam được Cục SHTT công bố, cung cấp định kỳ, dữ liệu về đối tượng SHCN đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam, dữ liệu liên quan do người sử dụng cung cấp được xác thực và dữ liệu phát sinh trong quá trình thực hiện các dịch vụ SHCN.
Nền tảng dịch vụ thông tin SHCN: bao gồm các dịch vụ liên quan và dịch vụ khác trên cơ sở khai thác thông tin SHCN. Người dùng có thể sử dụng các loại dịch vụ khác nhau bằng cách gửi yêu cầu dịch vụ theo mẫu thiết kế lên nền tảng. Viện KHSHTT và các đối tác sẽ tiếp nhận thông tin và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của doanh nghiệp/cá nhân.
Giao diện của nền tảng IPPlaform.
IPPlatform góp phần lan tỏa chuyển đổi số
Tính đến nay, sau 3 năm chính thức đưa vào vận hành nền tảng IPPlatform, Viện KHSHTT đã phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các đơn vị liên quan thiết lập và vận hành 26 trạm IPPlatform phục vụ hoạt động khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ SHCN và hoạt động quản lý nhà nước về SHTT, bao gồm 22 Sở KH&CN, 2 viện nghiên cứu, 2 hội/hiệp hội.
Theo số liệu báo cáo của Viện KHSHTT, từ 2020-2022, trung bình hàng năm số lượt khách truy cập (kể cả khách truy cập lần đầu) đều có sự tăng trưởng từ 110-130%, giải quyết hơn 1.000 lượt yêu cầu tư vấn về SHTT; xử lý gần 30 lượt cập nhật thông tin SHCN và hơn 20 lượt yêu cầu đăng thông tin trên sàn giao dịch.
Thống kê số lượt khách truy cập tháng 5/2023.
Số liệu tăng trưởng tốt như vậy là do IPPlatform đã giúp quản lý và bảo vệ TSTT, từ bằng sáng chế, nhãn hiệu cho đến bản quyền và các quyền SHTT khác trong lĩnh vực SHCN. Đặc biệt, nền tảng có sự liên kết, tích hợp cơ sở dữ liệu về đối tượng SHCN đăng ký và bảo hộ tại Việt Nam được Cục SHTT công bố, cung cấp định kỳ, dữ liệu về đối tượng SHCN đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam. Điều này đảm bảo rằng, các địa phương có cơ sở hạ tầng pháp lý và quản lý SHTT hiệu quả, giúp tạo điều kiện công bằng và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân, giúp doanh nghiệp tiếp cận kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin SHCN phục vụ hoạt động tạo lập quyền, bảo hộ, khai thác và phát triển các đối tượng SHCN. Đồng thời, việc áp dụng IPPlatform cũng khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể thấy, nền tảng IPPlatform đã có những đóng góp quan trọng cho sự lan tỏa của chuyển đổi số từ Bộ KH&CN đến các địa phương: 1) Đây là một nền tảng số, giao diện thân thiện, có cấu trúc gọn nhẹ, chi phí xây dựng và triển khai các trạm IPPlatform vừa phải; 2) Hệ thống có sự liên kết, tích hợp trực tuyến với cơ sở dữ liệu của Cục SHTT nên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tra cứu, giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên cả nước về SHCN; 3) Đây là một nền tảng số xây dựng tại cơ quan trung ương (Bộ KH&CN) nhưng có sự kết nối lan tỏa tới các địa phương (các sở KH&CN) - một tiêu chí quan trọng đánh giá tính hiệu quả của chuyển đổi số thông suốt từ trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, để thực sự lan tỏa chuyển đổi số từ trung ương xuống các địa phương, chúng ta cần tạo ra một sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý. Các bộ/ngành ở trung ương cần tạo ra một cơ chế hợp tác chặt chẽ với các địa phương để xác định mục tiêu chung và phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, các địa phương cần đầu tư vào việc xây dựng khả năng địa phương, bằng cách đào tạo công chức, viên chức số, xây dựng hệ thống kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phù hợp để triển khai và vận hành các trạm (điểm POP) IPPlatform. Ngoài ra, việc tăng cường giáo dục và đào tạo về quyền SHTT nói chung, SHCN nói riêng và công nghệ thông tin là cần thiết. Điều này giúp nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ, công chức, viên chức địa phương trong việc áp dụng công nghệ số và quản lý SHTT.
Một yếu tố quan trọng khác trong việc lan tỏa IPPlatform là khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia. Các tỉnh cần tạo điều kiện và động viên doanh nghiệp sử dụng IPPlatform, nhận thức về giá trị của SHTT và lợi ích của chuyển đổi số. Điều này có thể thực hiện thông qua việc các Sở KH&CN kết hợp với Viện KHSHTT cung cấp tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, tạo ra các chính sách khuyến khích, giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ số để nâng cao năng suất và cạnh tranh.
*
* *
Việc lan tỏa IPPlatform từ bộ/ngành trung ương xuống các địa phương cũng mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ hệ thống quản lý của chúng ta, đặc biệt cho triển khai chính phủ điện tử, chính phủ số tại Việt Nam. Sự chia sẻ thông tin và tương tác giữa các tỉnh thông qua nền tảng IPPlatform tạo ra sự kết nối và hợp tác, từ đó tăng cường khả năng thích ứng và phản ứng nhanh chóng đối với các thay đổi kinh tế và công nghệ. Điều này cũng giúp đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ trong việc quản lý SHTT trên toàn quốc.