Sự ra đời của VIAS
Nắm bắt xu thế hội nhập toàn cầu, với chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2000, BoA đã thành lập nhóm làm việc phục vụ xây dựng và vận hành VIAS. Sau hai năm thành lập, nhóm đã xây dựng thành công hệ thống tài liệu đánh giá công nhận tổ chức giám định theo chuẩn mực ISO/IEC 17020 và triển khai thí điểm đánh giá, công nhận cho một số tổ chức trong nước. Đến năm 2004, BoA đã thành công trong việc ký thoả ước thừa nhận lẫn nhau với Hiệp hội Công nhận khu vực châu Á Thái Bình Dương - APLAC-MRA (nay là APAC-MRA), và Hiệp hội Công nhận thế giới (ILAC-MRA) về hoạt động công nhận tổ chức giám định. Sự kiện này đã góp phần khẳng định các tổ chức giám định do BoA đánh giá và công nhận được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu, trong hệ thống của APLAC-MRA và ILAC-MRA.
Hiện nay, đội ngũ nhân sự của VIAS gồm 2 cán bộ cơ hữu, 3 trưởng đoàn đánh giá và hơn 90 chuyên gia kỹ thuật phục vụ các hoạt động giám định. Các nhân sự này đều được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên, đảm bảo hiểu rõ các yêu cầu của chuẩn mực đánh giá, nhất quán phương pháp tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm đánh giá với các cơ quan công nhận quốc tế. Phạm vi hoạt động đánh giá công nhận bao gồm: hoạt động giám định theo đối tượng, nhóm đối tượng, các dịch vụ và quá trình như nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, khoáng sản, xây dựng, môi trường, máy thiết bị, các giai đoạn sản xuất; các loại hình giám định về chất lượng hàng hóa, giám định kỹ thuật, kiểm định kỹ thuật an toàn, giám định quá trình sản xuất, định lượng hàng hoá, giám định tổn thất và hàng hải… Phạm vi công nhận hoạt động giám định đáp ứng nhu cầu xã hội và công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn, bảo vệ môi trường, các dịch vụ thông quan.
VIAS - Một chuẩn mực, một chứng chỉ, thừa nhận ở mọi nơi
Đến nay, cả nước đã có hơn 80 tổ chức giám định được công nhận, bao gồm đầy đủ các thành phần kinh tế (các tổ chức giám định nhà nước, tư nhân, bộ phận kiểm soát chất lượng trong nhà máy, các tập đoàn giám định trong nước và xuyên quốc gia). Điển hình như tập đoàn Vinacontrol, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 (Quatest 1, 2, 3), SGS, Intertek, các tổ chức giám định trực thuộc Bộ Quốc phòng (Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Binh chủng Thông tin Liên lạc, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Tập đoàn Viettel)… Không chỉ cung cấp dịch vụ đánh giá công nhận trong nước, VIAS hiện đang cung cấp dịch vụ đánh giá cho các nước trong khu vực ASEAN (Brunei, Indonesia, Philipines) và Trung Quốc. Tổ chức giám định do VIAS công nhận được khách hàng trong và ngoài nước tin cậy lựa chọn và thừa nhận chứng thư giám định. Kết quả kiểm tra sản phẩm, dịch vụ do các tổ chức này cung cấp tạo thuận lợi cho hội nhập và xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trên phương diện quản lý nhà nước, chỉ các tổ chức giám định được VIAS công nhận mới được các cơ quan quản lý chuyên ngành đánh giá lựa chọn và chỉ định phục vụ kiểm tra nhà nước, cụ thể: giám định phế liệu nhập khẩu, phân bón, kiểm tra thực phẩm nhập khẩu, máy móc thiết bị bao gồm cả máy móc thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng...
Trong hoạt động quốc tế, các chuyên gia của VIAS là thành viên Ban kỹ thuật hoạt động giám định APAC, hàng năm đều tham gia với tư cách là thành viên đoàn đánh giá đồng đẳng thừa nhận lẫn nhau của APAC- MRA. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành trong nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng…) luôn tin cậy và mời các chuyên gia VIAS tham gia với tư cách là thành viên đoàn đánh giá chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.
Với định hướng “một chuẩn mực, một chứng chỉ, thừa nhận ở mọi nơi” phục vụ cộng đồng, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các tổ chức giám định, VIAS thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho các tổ chức giám định, các cơ quan quản lý nhà nước và các bên quan tâm với mục đích giới thiệu rộng rãi và đầy đủ nhất nội dung của tiêu chuẩn ISO/IEC 17020. VIAS luôn chú trọng duy trì và tăng cường hoàn thiện chất lượng dịch vụ đánh giá, tích cực tham gia sâu rộng các hoạt động trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về hoạt động công nhận, thúc đẩy sự tin tưởng và thừa nhận rộng rãi các kết quả của các tổ chức giám định đã được công nhận từ các cơ quan quản lý và người tiêu dùng.