Có lẽ tất cả chúng ta đều quen biết một ai đó bị “ám ảnh” bởi số bước chân họ thực hiện trong một ngày, họ thường xuyên nhìn vào máy theo dõi thể dục, quyết tâm gặt hái những lợi ích sức khỏe liên quan đến việc đạt được 10.000 bước. Nhưng chúng ta có thực sự cần phải thực hiện 10.000 bước mỗi ngày để có thể thấy được lợi ích không?
Để trả lời câu hỏi đó, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Y Łódź đã tiến hành phân tích để xác định chính xác là cần đi bộ bao nhiêu bước để giảm nguy cơ tử vong. Họ đã phân tích 17 nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới với cộng với cỡ mẫu là 226.889 người. Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đi bộ ít nhất 3.967 bước mỗi ngày bắt đầu giảm nguy cơ tử vong gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và trong đó, 2.337 bước mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Nguy cơ tử vong giảm đáng kể cứ sau 500 đến 1.000 bước trên mức tối thiểu này: thực hiện thêm 500 bước có thể giảm 7% tử vong do bệnh tim mạch; thêm 1.000 bước có thể giảm 15% nguy cơ tử vong do các nguyên nhân khác. Cụ thể, đối với các nhóm tuổi trẻ hơn, sự cải thiện sức khỏe rõ rệt nhất được ghi nhận ở những người thực hiện từ 7.000 đến 13.000 bước hàng ngày, trong khi đối với những người từ 60 tuổi trở lên là từ 6.000 đến 10.000 bước.
GS Maciej Banach - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu không thể khẳng định được số bước chân chính xác để bắt đầu có lợi cho sức khỏe, nhưng nhóm tác giả có thể khẳng định rằng, càng đi bộ nhiều thì càng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Chúng tôi thấy rằng, điều này có thể áp dụng cho cả nam và nữ, không phân biệt tuổi tác và không phân biệt bạn sống ở vùng ôn đới, cận nhiệt đới hay cận cực trên thế giới, hoặc một khu vực có hỗn hợp khí hậu. Ngoài ra, phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, cần ít nhất 4.000 bước mỗi ngày sẽ giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do bất kể nguyên nhân nào, không chỉ riêng vấn đề về bệnh tim mạch.
Một lối sống ít vận động có thể dẫn đến tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Trong khi tỷ lệ hoạt động thể chất toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 dẫn đến việc giảm hơn nữa mức độ hoạt động của mỗi cá nhân. Trong một thế giới nơi chúng ta ngày càng có nhiều loại thuốc tiên tiến để nhắm đến các tình trạng cụ thể như bệnh tim mạch, nhóm tác giả nhấn mạnh đến sự thay đổi lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống và tập thể dục, là một cách hiệu quả hơn trong việc giảm nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch và kéo dài cuộc sống.
TXB (theo New Atlas)