Cấu trúc tường đầu cống in 3D (ảnh: Đại học Cambridge).
Một nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi GS Abir Al-Tabbaa - Khoa Kỹ thuật, Đại học Cambridge đã có một bước tiến lớn trong việc dùng công nghệ in 3D để chế tạo một bức tường đầu cống trong thời gian cực ngắn với khả năng kết hợp thêm các công nghệ cảm biến bên trong cấu trúc. Tường đầu cống thường được làm bằng bê tông đúc sẵn với hình dạng hạn chế, yêu cầu ván khuôn và cốt thép rộng. Nhưng bằng cách sử dụng công nghệ in 3D, nhóm nghiên cứu có thể thiết kế và xây dựng một bức tường rỗng, cong mà không cần ván khuôn và không cần gia cố bằng thép. Bức tường có sức mạnh không phải từ thép, mà từ hình học. Bức tường mất một giờ để in, cao khoảng 2 m và rộng 3,5 m. Nó được in tại trụ sở của Công ty Kỹ thuật tiên tiến Versarien, Gloucestershire (Vương quốc Anh), sử dụng máy in bê tông dựa trên cánh tay robot. Làm tường bằng công nghệ in 3D giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, vật liệu và lượng khí thải các bon.
GS Al-Tabbaa cho biết: Dự án này sẽ phục vụ như một phòng thí nghiệm sống, tạo ra dữ liệu có giá trị trong suốt vòng đời của nó. Dữ liệu cảm biến và bản sao kỹ thuật số sẽ giúp các chuyên gia cơ sở hạ tầng hiểu rõ hơn về cách sử dụng và điều chỉnh in 3D để in các vật liệu gốc xi măng lớn hơn và phức tạp hơn cho mạng lưới đường bộ. Ngoài việc tạo ra sản phẩm rẻ hơn cấu trúc thông thường với thời gian xây dựng nhanh hơn, mục tiêu của nhóm nghiên cứu còn là kiểm tra độ tin cậy, độ bền, độ chính xác và tuổi thọ của các cảm biến bên trong cấu trúc.
Bắc Lê (theo University of Cambridge)