Các tấm vật liệu hydrogel có thể được in 3D tùy chỉnh để phù hợp với đường viền của phần cơ thể bị bỏng (ảnh: Đại học Waterloo, Canada).
Dựa trên các bản quét 3D của phần cơ thể bị bỏng, các tấm hydrogel được in 3D để khớp với các đường viền chính xác của khu vực đó. Điều này có nghĩa là băng sẽ tiếp xúc với tất cả các mô bị thương mà không gây quá nhiều áp lực ở bất kỳ một điểm cụ thể nào. Đặc biệt, loại băng mới này cho phép nạp sẵn thuốc để dần dần giải phóng vào vết thương.
Khi một tấm hydrogel được đắp lên vết bỏng, nó sẽ được cơ thể bệnh nhân làm nóng. Điều này khiến nó co lại và bám chắc vào da. Sau đó, nó sẽ giữ nguyên vị trí trong thời gian cần thiết, duy trì ở nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Khi kiểm tra vết thương, có thể sử dụng khăn mát đắp lên mặt ngoài của băng. Khi đó, miếng hydrogel nguội đi và nở ra, nó sẽ giải phóng lực bám trên da và mô sẹo, từ đó có thể dễ dàng tách khỏi da mà không gây đau đớn. Điều quan trọng là loại vật liệu này chỉ cần được làm mát đến nhiệt độ phòng, do vậy, không gây khó chịu cho bệnh nhân (vì bệnh nhân bỏng thường nhạy cảm với nhiệt độ lạnh).
TS Lukas Bauman - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: hiện tại, tần suất thay băng bị hạn chế do bệnh nhân bị đau trong quá trình tháo băng. Bằng cách sử dụng loại băng mới này, tần suất thay băng có thể tăng lên trong khi cơn đau giảm đi đáng kể. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cung cấp thuốc hóa trị cho bệnh nhân ung thư bên ngoài môi trường lâm sàng hoặc để sản xuất mặt nạ trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp.
Bắc Lê (lược dịch theo Đại học Waterloo)