Thứ năm, 25/05/2023 17:08

Mùi hương giúp đuổi chuột phá hoại mùa màng

Kết quả nghiên cứu công bố ngày 22/05/2023 trên tạp chí Nature Sustainability cho thấy hiệu quả của phương pháp sử dụng mùi hương để đuổi chuột phá hoại mùa màng. Đây là phương pháp mang tính sinh thái, bền vững để bảo vệ nguồn thực phẩm của thế giới. 

Cỏ khô bị chuột tàn phá khi dịch chuột tấn công Australia vào năm 2021 (ảnh: Jill Gralow/Reuters).

Ước tính, các loài gặm nhấm phá hủy khoảng 70 triệu tấn gạo, lúa mì và ngô mỗi năm. Trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã sử dụng mọi phương pháp từ mèo đến thuốc độc để loại trừ loài vật này, tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra được phương pháp nào thực sự hiệu quả. GS Peter Banks - nhà sinh vật học tại Đại học Sydney (Australia) cho biết, nông dân ở nước này đang cố gắng kiểm soát chuột bằng thuốc độc và thuốc trừ sâu, nhưng những hóa chất này phải được tái sử dụng thường xuyên, vì vậy rất tốn kém. Bên cạnh đó, hóa chất cũng có thể giết chim và các động vật hoang dã khác. Gần đây, GS Peter Banks và các đồng nghiệp tìm ra giải pháp bảo vệ các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở New Zealand bằng cách bôi mùi hương của chúng ở những nơi mà các kẻ săn mồi sẽ không bao giờ tìm thấy chúng (chẳng hạn như đống đá). Kẻ săn mồi sau nhiều lần thất bại sẽ đánh giá những nơi có mùi hương của chim là thông tin sai lệch. Kết quả là khi các loài chim làm tổ trên mặt đất, những kẻ săn mồi đã không đuổi theo dù có ngửi thấy mùi.

Từ thành công kể trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm tương tự đối với chuột trên một trang trại lúa mì ở vùng nông thôn New South Wales (Australia). Cụ thể, các nhà khoa học đã thiết kế 3 nhóm quan sát: nhóm 1: phun dầu mầm lúa mì lên một số mảnh đất chưa gieo hạt với hy vọng những con chuột ở đây sẽ học cách liên kết các cánh đồng lúa mì với sự lãng phí thời gian và năng lượng của chúng; nhóm 2: phun dầu mầm lúa mì lên đất sau khi gieo hạt; nhóm 3: đất đã gieo hạt không được xử lý.

Không giống như kết quả ở New Zealand, nhóm 1 đã không hiệu quả. Thay vào đó, nhóm 2 - được “ngụy trang” bằng mùi hương đã cho những kết quả khả quan. Cụ thể, ở những cánh đồng có mùi thơm ngào ngạt, những con chuột dường như không thể tìm ra hạt giống ở đâu. Kết quả cho thấy, nhóm 2 chịu ít thiệt hại hơn 74% so với nhóm 3. Bên cạnh đó, các thiết bị cần thiết để phun mùi mầm lúa mì lên đất là một phần của máy móc nông nghiệp thông thường và dầu mầm lúa mì là sản phẩm phụ rẻ tiền của quá trình xay xát lúa mì, do vậy, nông dân có thể dễ dàng áp dụng phương pháp này. Đây là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, có thể được áp dụng đối với các loài gây hại cây trồng khác như côn trùng và chuột.

Bắc Lê (lược dịch theo Science)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)