Thứ năm, 27/04/2023 16:26

4 thay đổi lớn về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Trung Quốc

Luật sư Lê Quang Vinh

Công ty Bross & Partners

Bài viết giới thiệu 4 thay đổi lớn của pháp luật bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (một hình thức bảo hộ pháp lý cho hình dáng bên ngoài của sản phẩm) theo Luật Sáng chế năm 2020 của Trung Quốc. Trong đó có kiểu dáng từng phần lần đầu tiên được được quốc gia này bảo hộ.

Kiểu dáng từng phần lần đầu được bảo hộ

Theo Luật Sáng chế năm 2020 của Trung Quốc, kiểu dáng có nghĩa liên quan đến một sản phẩm tổng thể hoặc một phần của sản phẩm [kiểu dáng từng phần], là bất kỳ kiểu dáng mới về hình dạng, họa tiết (hoa văn), hoặc sự kết hợp giữa chúng, hoặc có kết hợp với màu sắc cùng hình dạng hoặc hoa văn (họa tiết) giàu tính thẩm mỹ và phù hợp với mục đích ứng dụng công nghiệp. Như vậy, định nghĩa kiểu dáng theo Luật Sáng chế năm 2020 chỉ khác duy nhất cụm từ “tổng thể hoặc từng phần” so với Luật Sáng chế sửa đổi lần thứ ba năm 2008. Ý nghĩa pháp lý chính yếu của quy định này là Trung Quốc chính thức lần đầu chấp nhận bảo hộ kiểu dáng từng phần (kiểu dáng theo phần) để phù hợp với thực tiễn bảo hộ kiểu dáng ở Mỹ và Liên minh châu Âu.

Kiểu dáng từng phần có nghĩa là kiểu dáng đề cập đến một phần, một bộ phận của một kiểu dáng lớn hơn. Nói cách khác, kiểu dáng từng phần được hiểu là một hình thức đăng ký kiểu dáng chỉ tập trung vào phần độc đáo của một kiểu dáng cụ thể. Hai ví dụ dưới đây cho thấy các nét đứt (broken lines) và nét liền (solid lines) được thể hiện trên kiểu dáng lốp ô tô/thiết bị ghi âm có màn hình hiển thị có mục đích tuyên bố rằng người nộp đơn không yêu cầu bảo hộ cho phần nét đứt.

Quyền ưu tiên nội địa đối với đơn kiểu dáng

Người nộp đơn kiểu dáng có thể yêu cầu hưởng ngày ưu tiên nội địa cho đơn Trung Quốc nộp sớm hơn trong vòng 6 tháng tính từ ngày nộp đơn nhưng phải tuyên bố trong đơn và nộp bản sao tài liệu ưu tiên trong vòng 3 tháng sau khi nộp. Mục đích của quy định này là trao cơ hội cho người nộp đơn Trung Quốc xin đăng ký phiên bản đầu của kiểu dáng ở Trung Quốc có thể sau đó nộp đơn kiểu dáng sửa đổi dựa trên đơn nộp trước mà không bị xem là mất tính mới. Hệ quả của quy định này là đơn nộp trước bị xem là rút bỏ.

Quy định quyền ưu tiên nội địa là quy định bổ sung dành cho người nộp đơn kiểu dáng nộp ở Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA) ngoài quy định hiện hành trao cơ hội hưởng ngày ưu tiên trong vòng 6 tháng tính từ ngày người nộp đơn nộp đơn đầu tiên ở nước ngoài.

Tăng thời hạn bảo hộ kiểu dáng lên 15 năm

Theo Luật Sáng chế năm 2020, giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền kiểu dáng có hiệu lực 15 năm tính từ ngày nộp đơn. Như vậy, Trung Quốc đã điều chỉnh tăng thời hạn bảo hộ kiểu dáng từ 10 lên 15 năm để phù hợp với quy định của Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp mà Trung Quốc đã gia nhập từ ngày 05/05/2022. Giấy chứng nhận độc quyền kiểu dáng có ngày nộp đơn trước ngày 01/06/2021 vẫn chỉ có hiệu lực 10 năm như quy định cũ.

Theo quy định mới của CNIPA, phí duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận độc quyền kiểu dáng từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 là 3.000 Nhân dân tệ (~447 USD) cho mỗi năm và phí duy trì phải được nộp hàng năm. Phí duy trì cho 5 năm hiệu lực đầu tiên là 4.100 Nhân dân tệ  (~610 USD) và 5 năm hiệu lực tiếp theo từ thứ 6 đến 10 là 7.600 Nhân dân tệ  (~1.131 USD)

Quyền yêu cầu ban hành báo cáo thẩm định về tuân thủ điều kiện bảo hộ

Trung Quốc không xét nghiệm nội dung đối với đơn đăng ký kiểu dáng mà chỉ thẩm định hình thức trước khi ban hành quyết định cấp bảo hộ. Do vậy, Luật Sáng chế năm 2020 quy định chủ bằng độc quyền kiểu dáng hoặc các bên có lợi ích liên quan có thể yêu cầu CNIPA ban hành báo cáo thẩm định (evaluation report) về việc cấp pa-tăng kiểu dáng để chứng minh kiểu dáng được cấp đảm bảo tuân thủ điều kiện cấp pa-tăng. Các bên có lợi ích liên quan thông thường được hiểu là bên có quyền khởi kiện một vụ xâm phạm kiểu dáng, theo đó các bên có lợi ích liên quan này thường bao gồm bên nhận li-xăng độc quyền (thông thường không bao gồm bên nhận li-xăng không độc quyền).

Báo cáo thẩm định không phải tài liệu bắt buộc khi khởi kiện ở tòa án hoặc cơ quan liên quan. Báo cáo thẩm định thực chất là một văn bản, theo yêu cầu của các bên liên quan, được ban hành bởi CNIPA sau khi cơ quan này đã cấp pa-tăng kiểu dáng có mục đích đánh giá về việc thẩm định hình thức, đặc biệt là tính mới của kiểu dáng. Mặc dù không có giá trị ràng buộc đối với tòa án nhưng báo cáo này cũng góp phần chứng minh các điều kiện bảo hộ, đặc biệt là tính mới của pa-tăng kiểu dáng đã cấp là tuân thủ điều kiện bảo hộ của kiểu dáng theo luật, từ đó góp phần làm giảm các tranh chấp kiểu dáng không thực sự cần thiết.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)