Thứ tư, 10/05/2023 09:01

Biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh hơn ở Greenland

Trong khi tiến hành nghiên cứu về sông băng Petermann ở phía tây bắc Greenland, các nhà nghiên cứu của Đại học California và Phòng Thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA (UCI/NASA) đã phát hiện ra cách băng và đại dương tương tác với nhau mà chưa từng thấy trước đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện này có nghĩa là cộng đồng khí hậu đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của mực nước biển dâng trong tương lai do sự suy giảm băng ở các cực.

Sử dụng dữ liệu radar vệ tinh, nhóm UCI/NASA cho biết, đường nối đất của sông băng Peterman - nơi băng tách ra khỏi đất liền và bắt đầu trôi nổi trong đại dương đã thay đổi đáng kể trong chu kỳ thủy triều, điều này khiến nước biển ấm xâm nhập và làm tăng tốc độ tan chảy của băng. Theo Enrico Ciraci - Trợ lý Chuyên gia về khoa học hệ thống Trái đất của Đại học California và nghiên cứu sinh sau tiến sỹ của NASA, quan điểm truyền thống về các đường nối đất là chúng không thay đổi trong các chu kỳ thủy triều, cũng như không trải qua quá trình tan băng. Tuy nhiên, phát hiện mới đã bác bỏ quan điểm này, khi nước biển ấm xâm nhập bên dưới thông qua các kênh dưới lớp băng và khiến thay đổi diện tích của các đường nối đất. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ năm 2016 đến 2022, khi đường nối đất của sông băng Peterman thu lại gần 4 km, nước biển ấm tạo ra một lỗ hổng cao 670 feet (khoảng 205 m) ở đáy sông băng.

GS Eric Rignor - Đại học California và là nhà khoa học nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết, sự tương tác của những tảng băng trôi nổi này với đại dương làm cho các sông băng nhạy cảm hơn với sự nóng lên của đại dương. Nếu được đưa vào để tính toán, dự báo mực nước biển dâng sẽ tăng 200%, điều này không chỉ ảnh hưởng đến riêng sông Peterman mà còn có thể dẫn đến sự biến mất của tất cả các sông băng trong đại dương ở phần lớn phía bắc Greenland và toàn bộ Nam cực.

Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng, trong vài thập kỷ qua, dải băng Greenland đã mất hàng tỷ tấn băng vào đại dương, phần lớn là do sự nóng lên của nước biển dưới lòng đất - một kết quả của biến đổi khí hậu. GS Eric Rignor cho biết thêm, việc tiếp xúc với nước biển có thể làm tan chảy mạnh băng ở rìa phía trước của sông băng và làm xói mòn lực cản đối với sự di chuyển của sông băng trên mặt đất, khiến băng trượt xuống biển nhanh hơn.

TXB (theo ScienceDaily)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)