Thứ ba, 08/08/2023 15:15

Chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài của một số quốc gia/vùng lãnh thổ và khuyến nghị đối với Việt Nam

Nguyễn Hoàng Nam

Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH)

Ở bất kỳ quốc gia nào, để đất nước phát triển bền vững thì tuyển mộ nhân tài luôn là một trong những mục tiêu, định hướng hàng đầu. Một số quốc gia có những quy định chuyên biệt về tuyển dụng, tuyển mộ nhân tài. Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách về thu hút nhân tài nói chung và tuyển mộ nhân tài nước ngoài nói riêng. Bài viết góp phần tìm hiểu các chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài của Hoa Kỳ (châu Mỹ), Đài Loan - Trung Quốc (châu Á) và Phần Lan (châu Âu); qua đó, đúc kết một số kiến nghị cho Việt Nam thời gian tới.

Chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài ở một số quốc gia

Hoa Kỳ

Là một trong những quốc gia đa văn hóa, người dân nhập cư tại Hoa Kỳ chiếm số lượng lớn. Do đó, chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài ở Hoa Kỳ luôn nằm trong những ưu tiên phát triển của đất nước cờ hoa này, trong đó, nổi bật nhất là chính sách nhân sự trong Chương trình tuyển dụng nhân tài của Chính phủ nước ngoài ngày 11/07/2019 do Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF)* thiết lập.

Mục tiêu của chính sách là bảo vệ các nhà nghiên cứu và cộng đồng trong việc thúc đẩy hợp tác và đổi mới. Nhằm tránh các chương trình tuyển dụng nhân tài của chính phủ nước ngoài có nguy cơ làm tổn hại đến các giá trị cởi mở, minh bạch, hợp tác và liêm chính của nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, chính sách nhân sự quy định nhân viên được tuyển dụng vào NSF không được phép tham gia vào các chương trình tuyển dụng nhân tài của chính phủ nước ngoài. Bên cạnh đó, chính sách đặt ra một số nghĩa vụ đối với các nhà khoa học, kỹ sư, học giả, nhà nghiên cứu và doanh nhân thuộc mọi quốc tịch đang làm việc hoặc được giáo dục tại Hoa Kỳ, đơn cử như: trong trường hợp chuyển giao kiến thức và chuyên môn, phải đảm bảo chính phủ nước ngoài cung cấp khoản bồi thường cho Chính phủ Hoa Kỳ. Khoản bồi thường có thể dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như tiền mặt, tài trợ nghiên cứu, danh hiệu tuyên dương (bằng vinh danh), cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, khoản cam kết bồi thường trong tương lai hoặc các loại khoản thù lao khác. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhân tài.

Hơn nữa, khía cạnh tuyển mộ ở đây bao gồm cả sự đóng góp tích cực của nhà tài trợ nước ngoài trong việc thu hút cá nhân tham gia chương trình do nước ngoài tài trợ để khuyến khích sáng tạo, chuyển giao kiến thức và chuyên môn của họ cho Chính phủ nước ngoài. Trong khoảng thời gian đó, cá nhân vẫn có thể được tuyển dụng, sống ở Hoa Kỳ hoặc ở nước ngoài. Đây là một chính sách cởi mở trong việc thu hút nhân tài.

Đài Loan, Trung Quốc

Tại Đài Loan, Đạo luật tuyển dụng và việc làm chuyên gia nước ngoài do Hội đồng phát triển quốc gia Đài Loan (NDC) soạn thảo và đã được Viện Lập pháp của Đài Loan phê duyệt vào ngày 31/10/2017. Đạo luật đánh dấu cột mốc quan trọng trong hệ thống tuyển dụng nhân tài của Đài Loan. Với mục đích xây dựng một môi trường thân thiện, thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc và sinh sống tại Đài Loan, nhằm thúc đẩy nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Đài Loan, Đạo luật tuyển dụng và việc làm chuyên gia nước ngoài với 3 nội dung chính: (1) Nới lỏng các quy định liên quan đến thị thực, việc làm, lưu trú và cư trú cho các chuyên gia nước ngoài; (2) Nới lỏng quy định về nơi ở, nơi cư trú của cha, mẹ, vợ, chồng, con; (3) Cải thiện cách đối xử của họ liên quan đến bảo hiểm, thuế và hưu trí.

Về việc nới lỏng các quy định về lao động, thị thực, cư trú, đối tượng đầu tiên là các chuyên gia đặc biệt nước ngoài có thể đăng ký “Thẻ vàng việc làm”, điều này thuận tiện hơn cho người nước ngoài khi chuyển công tác hoặc tìm kiếm việc làm; thời hạn của giấy phép lao động đó đã được mở rộng từ 3 lên 5 năm. Đối tượng thứ hai là các nghệ sỹ tự do nước ngoài được phép xin giấy phép lao động mà không cần xin giấy phép thông qua người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các trường luyện thi ở Đài Loan được phép thuê giáo viên nước ngoài có chuyên môn hoặc kỹ năng chuyên nghiệp để giảng dạy. Đồng thời, các chuyên gia nước ngoài đang tìm kiếm việc làm tại Đài Loan đủ điều kiện để xin thị thực tìm việc làm. Trong đó, thời gian lưu trú tối thiểu bắt buộc là 183 ngày mỗi năm để duy trì tình trạng thường trú bị bãi bỏ.

Về quy định nới lỏng quy định về nơi ở, nơi cư trú của cha, mẹ, vợ, chồng, con, cụ thể các yêu cầu đối với vợ/chồng, con chưa thành niên hoặc con trưởng thành bị khuyết tật của các chuyên gia nước ngoài thường trú đăng ký thường trú được nới lỏng. Đối với các chuyên gia nước ngoài cấp cao nộp đơn xin thường trú tại Đài Loan, vợ hoặc chồng, con chưa thành niên hoặc con trưởng thành khuyết tật của họ có đủ điều kiện nộp đơn đồng thời. Ngoài ra, các yêu cầu được nới lỏng đối với con cái trưởng thành của các chuyên gia nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định để xin giấy phép lao động mà không cần thông qua người sử dụng lao động. Thị thực du lịch dành cho con cháu trực hệ của các chuyên gia nước ngoài được gia hạn để cho phép lưu trú tối đa một năm tại một thời điểm.

Về cung cấp các lợi ích hưu trí, bảo hiểm và thuế, Đạo luật của Đài Loan quy định các chuyên gia nước ngoài đã được chấp thuận cho thường trú sẽ được đưa vào hệ thống hưu trí hưu trí theo Đạo luật Hưu trí Lao động. Một chuyên gia nước ngoài hiện đang làm giáo viên toàn thời gian, có trình độ, được trả lương tại một trường công lập ở Đài Loan có thể lựa chọn nhận lương hưu một lần hoặc lương hưu hàng tháng. Hơn nữa, yêu cầu phải có đủ 6 tháng cư trú tại Đài Loan đối với vợ/chồng, con chưa thành niên hoặc con trưởng thành bị khuyết tật của các chuyên gia nước ngoài để tham gia bảo hiểm y tế quốc gia với tư cách là người được bảo hiểm. Mặt khác, các chuyên gia đặc biệt nước ngoài làm việc tại Đài Loan và có thu nhập tiền lương trên 3 triệu Đài tệ một năm có thể khấu trừ một nửa tiền lương của họ để nộp thuế trong 3 năm đầu tiên.

Kết hợp cùng chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài, Đài Loan đang nỗ lực số hóa chính phủ với mục tiêu đầy tham vọng là thu hút 100.000 chuyên gia nước ngoài vào năm 2030.

Phần Lan

Tại Phần Lan, các cơ quan việc làm tư nhân có sự tham gia tích cực vào việc thúc đẩy nhập cư lao động, đặc biệt là những nhân tài nước ngoài. Theo đó, Hiệp hội các cơ quan việc làm tư nhân (HPL) khuyến nghị rằng, nhân viên nước ngoài nên được tuyển dụng trực tiếp vào việc làm của một cơ quan tuyển dụng tư nhân (PEA) tại Phần Lan. Nếu PEA sử dụng nhà thầu phụ hoặc đối tác khác, thì việc lựa chọn đối tác phải bị ràng buộc bởi một thỏa thuận hay hợp đồng để tuân thủ các quy tắc về tuyển mộ người nước ngoài.

Mục đích của các quy tắc nhằm đảm bảo rằng, các công ty thành viên của HPL cam kết hành động có đạo đức và hợp pháp khi tuyển dụng nhân viên nước ngoài, góp phần cải thiện tình trạng trong chính sách tuyển mộ nhân tài và thu hút người tài nước ngoài vào làm việc tại Phần Lan theo tóm tắt ở bảng 1.

Bảng 1. Một số chính sách tuyển mộ người nước ngoài ở Phần Lan.

Chính sách

Quyền lợi

Giấy phép

 

PEA sẽ đảm bảo rằng nhân viên nước ngoài có giấy phép cần thiết để cư trú và làm việc tại Phần Lan. Giấy phép của nhân viên đến từ các quốc gia bên ngoài khu vực EU/EEA phải được cấp trước khi nhân viên đến Phần Lan.

Kỹ năng chuyên nghiệp

PEA sẽ đảm bảo rằng nhân viên nước ngoài có các kỳ thi và các bằng cấp khác cần thiết cho công việc (ví dụ: thẻ an toàn lao động và giấy phép vệ sinh).

Kỹ năng ngôn ngữ

PEA sẽ đảm bảo nhân viên nước ngoài có đủ kỹ năng ngôn ngữ để thực hành nghề nghiệp của mình ở Phần Lan, quy định tại Đạo luật về Chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Nơi ở

PEA sẽ đảm bảo rằng nhân viên nước ngoài có chỗ ở thích hợp ở Phần Lan. Nhân viên cũng sẽ được thông báo về mức giá thuê và giá cả tại khu vực đến ở Phần Lan.

Nghĩa vụ lưu giữ thông tin

Người sử dụng lao động phải lưu giữ thông tin về người nước ngoài được tuyển dụng và các căn cứ về quyền làm việc của họ có sẵn dễ dàng tại nơi làm việc để cơ quan an toàn và vệ sinh lao động kiểm tra.

Nghĩa vụ thông báo

Người sử dụng lao động sẽ thông báo cho tổ chức công đoàn, đại diện được bầu và nhân viên an toàn lao động về tên của công dân không thuộc EU/EEA được tuyển dụng và thỏa thuận tập thể hiện hành.

Nghĩa vụ cung cấp thông tin về các điều khoản chính của công việc

Người sử dụng lao động tuyển dụng công dân không thuộc EU/EEA có giấy phép cư trú dành cho người được tuyển dụng liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn cụ thể hoặc người đã được miễn nghĩa vụ phải có giấy phép sẽ gửi thông tin về các điều khoản chính của công việc, quy định trong Đạo luật hợp đồng lao động cho Văn phòng phát triển kinh tế và việc làm tại Phần Lan.

Nguồn: HPL.

Những nỗ lực của Việt Nam và một số khuyến nghị

Tại Việt Nam, kể từ Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành mục tiêu về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các chính sách về nhân tài ở nước ta lần lượt được thiết lập, bao gồm cả nhân tài nước ngoài. Trong các năm tiếp theo, các địa phương lần lượt triển khai theo nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW. Đơn cử như năm 2013, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; trong đó chú trọng việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tuyên dương, khen thưởng nhân tài. Hay năm 2014, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND về ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại Ban Quản lý khu công nghệ cao; Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Gần đây, Dự thảo “Đề án Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Bộ Nội vụ soạn thảo đang tiến hành tổ chức góp ý. Nhìn nhận thực tế, để thực hiện mục tiêu đặt ra theo Dự thảo, cụ thể từ năm 2026-2030, nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu là 2-5% trở lên; từ 10-15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ thì nước ta cần phải có chính sách khuyến khích, thu hút và phát triển nhân tài. Người làm được việc không thiếu nhưng người tài thì hiếm bởi không phải người nào cũng có tư duy đổi mới sáng tạo, càng hiếm hơn là người tài nước ngoài chấp nhận làm việc tại Việt Nam.

Đồng thời, các chính sách về thị thực, lưu trú, cư trú; quy định về nơi ở cho cá nhân nước ngoài và người thân của cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; công cụ bảo hiểm, thuế hay mục tiêu an sinh xã hội, chính sách hưu trí của người nước ngoài nói chung và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng cũng cần được cởi mở hơn. Ngoài việc nâng cao các chính sách về lương thưởng và phúc lợi, những nỗ lực liên quan đến đãi ngộ đào tạo, trao quyền tại các vị trí quan trọng cũng nên được thí điểm. Nếu Thành đoàn TP Hồ Chí Minh là cái nôi ươm mầm cho những quản lý, lãnh đạo thành phố thì cần một cơ quan chuyên trách trong việc thu hút nhân tài khối ngoài công lập, đặc biệt là nhân tài nước ngoài.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)