Thứ năm, 18/05/2023 14:25

Trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Bạc Liêu: Góc nhìn và giải pháp

Lê Trọng Tài1, Phạm Ngọc Hiếu1, Lâm Danh Nhân2

1Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

2Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu

 

Trong giai đoạn từ 2016-2020, kinh tế tỉnh Bạc Liêu có sự tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 7,16%/năm. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá. Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chiến lược phát triển của tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn tới, việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất (CNSX) của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao trình độ và năng lực công nghệ ngành chế biến chế tạo của tỉnh, đặc biệt là đối với những lĩnh vực chủ lực.

Thực trạng trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp tại Bạc Liêu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, các doanh nghiệp sản xuất có sự đa dạng về lĩnh vực và quy mô. Trong đó, các ngành sản xuất chủ đạo gồm: chế biến thủy sản, chế biến lương thực, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cơ khí và đóng tàu. Các doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng năng suất. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động ở quy mô nhỏ, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để xác định thực trạng trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ “Khảo sát, đánh giá trình độ và năng lực CNSX của các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2022” đã được triển khai.

Dựa trên danh sách doanh nghiệp được cung cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, các phiếu điều tra đã được gửi đến 150 doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, gồm: 81 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất trang phục và dệt may, 9 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ kim loại và gia công cơ khí, 47 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất điện (hình 1).

Trình độ và năng lực CNSX được đánh giá thông qua việc phân tích, đánh giá tổng hợp 5 nhóm yếu tố thành phần bao gồm: hiện trạng công nghệ, thiết bị sản xuất (nhóm T); hiệu quả khai thác công nghệ (nhóm E); năng lực tổ chức, quản lý (nhóm O); năng lực nghiên cứu phát triển (nhóm R); nhóm năng lực đổi mới sáng tạo (nhóm I), kết hợp với kết quả đánh giá hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực CNSX1.

Hình 1. Số lượng doanh nghiệp theo lĩnh vực khảo sát.

Đánh giá trình độ và năng lực CNSX sử dụng phương pháp định lượng theo thang điểm chung 100 điểm cho tổng số 26 tiêu chí để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá, trong đó: nhóm T tối đa 30 điểm cho 7 tiêu chí; nhóm E tối đa 20 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm O tối đa 19 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm R tối đa 17 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm I tối đa 14 điểm cho 4 tiêu chí. Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các tiêu chí và hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực CNSX để phân loại trình độ và năng lực CNSX. Theo đó, trình độ và năng lực CNSX của doanh nghiệp được đánh giá và phân loại theo 4 mức: lạc hậu; trung bình; trung bình - tiên tiến; tiên tiến.

Kết quả đánh giá cho thấy, trình độ và năng lực CNSX của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (trừ lĩnh vực sản xuất điện) được xếp loại lạc hậu, gần đạt mức trung bình (có 5 doanh nghiệp đạt mức trung bình, 1 doanh nghiệp đạt mức trung bình - tiên tiến) - hình 2. Kết quả điều tra được thực hiện trong năm 2021-2022 là số liệu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn 2019-2021. Đây là giai đoạn mà đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch. Vì vậy, việc đánh giá có thể là căn cứ để đưa ra các chính sách thích hợp giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Hình 2. Tổng hợp kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp được khảo sát (trừ lĩnh vực sản xuất điện).

Đối với nhóm ngành sản xuất điện, nhóm nghiên cứu đã có sự điều chỉnh, lược bỏ một số tiêu chí (6 tiêu chí)2 không phù hợp. Đồng thời điều chỉnh lại điểm số một số tiêu chí (5 tiêu chí) có vai trò quan trọng3.

Kết quả đánh giá cho thấy, trình độ và năng lực CNSX của các doanh nghiệp sản xuất điện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xếp loại trung bình (hình 3). Kết quả đánh giá này cũng phù hợp với mức độ phát triển năng lượng mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung tại Bạc Liêu. Theo đó, từ sau Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Bạc Liêu với đặc thù là tỉnh có nhiều nắng, cùng sự hấp dẫn từ giá mua điện ưu đãi, đã hình thành nên “cơn lốc” đầu tư điện mặt trời (ĐMT). Số lượng các dự án về ĐMT tại Bạc Liêu tăng mạnh trong thời gian cuối năm 2020, đầu năm 20214.

Hình 3. Tổng hợp kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất điện.

Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ giúp doanh nghiệp biết được: (1) Số lượng, chủng loại, mức độ hiện đại, khả năng khai thác của các công nghệ chính đang được sử dụng trong ngành, lĩnh vực; (2) Trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp đang ở mức độ nào, để nâng cao năng lực thì cần đầu tư vào đâu; (3) Tổng quan trình độ và năng lực CNSX của ngành và các yếu tố tác động; (4) Doanh nghiệp khai thác công nghệ như thế nào? Đã hiệu quả hay chưa?

Đối với các cơ quan quản lý, việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ giúp biết được: (1) Tỷ lệ % số lượng công nghệ mà các doanh nghiệp trong nước đang sở hữu, tỷ lệ % số lượng sản phẩm mà các doanh nghiệp trong nước đang sản xuất; (2) Trình độ và năng lực CNSX của các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực; (3) Tổng quan trình độ và năng lực CNSX của ngành, lĩnh vực và các yếu tố tác động, để từ đó có điều chỉnh về cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển, đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả khai thác công nghệ của doanh nghiệp; (4) Thông tin về công nghệ của doanh nghiệp - đây sẽ là căn cứ để lựa chọn đưa vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước như: Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các Bộ, ngành...

Một số giải pháp đề xuất

Thông qua kết quả điều tra, khảo sát nêu trên, có thể thấy các doanh nghiệp chế biến chế tạo tại Bạc Liêu có trình độ và năng lực công nghệ ở mức từ tiệm cận trung bình đến trung bình. Để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao trình độ và năng lực CNSX, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp sau:

Về phía Chính phủ:

Một là, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Chính phủ có thể hỗ trợ tỉnh thông qua các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Đồng thời, đưa ra chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, hỗ trợ họ trong việc đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Hai là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo các doanh nghiệp có đủ điều kiện và hỗ trợ về kỹ thuật để áp dụng các công nghệ mới, cũng như được tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Ba là, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp. Chính phủ có thể cung cấp các chính sách hỗ trợ, bao gồm các khoản tài trợ, thuế và giải pháp pháp lý, để giúp các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào CNSX, nâng cao năng suất và tăng cường sức cạnh tranh.

Bốn là, hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực, giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ.

Về phía tỉnh Bạc Liêu:

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; triển khai Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư bên ngoài tỉnh vào ngành chế biến, chế tạo nhưng tập trung vào những dự án có công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng kết quả nghiên cứu, sáng kiến, giải pháp hữu ích nhằm cải tiến công nghệ…; xây dựng cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nghiên cứu, liên kết giữa thị trường trong tỉnh, ngoài tỉnh và thị trường quốc tế.

Nhóm giải pháp về tài chính: Dành một phần ngân sách phục vụ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới hoặc đưa ra được các giải pháp cải tiến công nghệ; hỗ trợ tiền thuê đất, tiền thuế và triển khai mạnh mẽ những cơ chế chính sách về tín dụng cho doanh nghiệp có các hoạt động như: chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo.

Về phía doanh nghiệp cần tập trung vào 5 trụ cột:

Một là, đào tạo và phát triển nhân lực, trong đó tập trung vào các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ hiện đại, tăng khả năng sáng tạo và quản lý sản xuất hiệu quả.

Hai là, đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là các hệ thống tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác để tăng tốc độ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

Ba là, tăng cường nghiên cứu và phát triển để tìm ra những cách tiếp cận mới, cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất.

Bốn là, thúc đẩy môi trường hợp tác và chia sẻ kiến thức, để tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức với các đối tác, đại lý, khách hàng và cộng đồng.

Năm là, thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm soát chất lượng để tăng cường năng lực sản xuất.

 

1 Theo hướng dẫn của Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Thông tư hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực CNSX.

 

2 6 nhóm tiêu chí lược bỏ, bao gồm: tỷ lệ chi phí năng lượng sản xuất; tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu sản xuất; tiêu chuẩn sản phẩm của dây chuyền CNSX; kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm; kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ; năng lực liên kết hợp tác nghiên cứu, phát triển.

3 5 nhóm tiêu chí điều chỉnh, bao gồm: cường độ vốn thiết bị, công nghệ; mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ; mức độ tự động hóa và tích hợp sản xuất; năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền, thiết bị của doanh nghiệp; quản lý hiệu suất thiết bị tổng thể.

 

4 Theo Công ty Điện lực Bạc Liêu, tính đến hết ngày 30/4/2021, trên địa bàn tỉnh có 1.616 khách hàng tham gia lắp đặt ĐMT mái nhà, với tổng công suất lắp đặt là 177.249,17 kWp. Trong đó, có 192 dự án ĐMT có công suất lắp đặt từ 100 kWp trở lên, 1.424 dự án ĐMT có công suất lắp đặt dưới 100kWp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Khoa học và Công nghệ (2019), Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 về Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.

[2] Cục Thống kê tỉnh Bạc Liêu (2022), Niên giám Thống kê tỉnh Bạc Liêu năm 2021.

[3] Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu (2020), Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

[4] Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (2022), Quyết định Ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)