Thứ hai, 08/05/2023 16:05

Nam Định: Phát triển hệ thống đo lường - kết quả và khó khăn cần tháo gỡ

Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội, nó giúp đo lường và đánh giá các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó đưa ra các quyết định và chính sách phù hợp để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng… Thời gian qua, hệ thống đo lường trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song tỉnh vẫn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ trong thời gian tới

Những kết quả đạt được

Thực hiện theo Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/08/2018  của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” Đề án 996, tỉnh Nam Định đã đặt mục tiêu phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với quy hoạch và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời đến năm 2030 sẽ phát triển được ít nhất 15 chuẩn đo lường, chất chuẩn các loại, đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, hằng năm Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nam Định đã đã tổ chức lồng ghép các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Đề án 996, cùng các kế hoạch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan định kỳ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về đo lường; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đo lường cho công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn và các cán bộ tham gia hoạt động đo lường của doanh nghiệp… Từ năm 2022 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở KH&CN Nam Định đã tổ chức các hội nghị tập huấn “Đảm bảo đo lường theo Đề án 996”, “Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra đo lường tại cơ sở” và hội thảo “Duy trì, phát triển hệ thống đo lường tại địa phương” nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; thu thập nhu cầu, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về mong muốn cải tiến đo lường tại cơ sở; phổ biến, nâng cao nhận thức nghiệp vụ kiểm tra Nhà nước về đo lường, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị quản lý Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý về đo lường.

Công tác kiểm tra đo lường thiết bị trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Nam Định có gần 200 chợ, trung tâm thương mại và trên 3.000 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ yếu như: dệt - may, thuốc và hóa dược, cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm - đồ uống, đóng tàu, vật liệu xây dựng… Trong đó, có trên 1 triệu phương tiện đo nhóm 2 (phương tiện đo được sử dụng đo định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán) thuộc diện phải kiểm định và hàng trăm nghìn phương tiện đo nhóm 1 (phương tiện đo được sử dụng trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất) cần hiệu chuẩn. Thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đo lường, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH&CN được đầu tư hệ thống chuẩn đo lường thông dụng trong thương mại và công nghiệp gồm 7 lĩnh vực: điện, áp suất, khối lượng, dung tích, độ dài, nhiệt, lực - độ cứng. Với hiện trạng về hệ thống chuẩn nêu trên, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH&CN là đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn năng lực kiểm định 34/60 loại phương tiện đo phải kiểm định theo quy định của Nhà nước. Nhờ đó, bình quân hằng năm, Trung tâm kiểm định và hiệu chuẩn khoảng 24 nghìn phương tiện đo trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức thực hiện kịp thời kiểm định phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân theo kiến nghị của công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động rà soát, cập nhật và định kỳ cung cấp thông tin kiểm định cho bộ phận quản lý Nhà nước.

Trong quá trình kiểm định, hiệu chuẩn, các đoàn kiểm tra đo lường đã phát hiện, loại bỏ nhiều phương tiện đo không đảm bảo yêu cầu, giúp các cơ quan chức năng xử lý vi phạm và giúp đỡ các tổ chức, cá nhân khắc phục kịp thời sai lệch của phương tiện đo… Với năng lực của Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH&CN cùng hoạt động của một tổ chức kiểm định phương tiện đo điện năng là Công ty TNHH một thành viên Thí nghiệm điện miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện thành công kiểm soát phần lớn các phương tiện đo quan trọng (trung bình kiểm định, hiệu chuẩn khoảng 160 nghìn lượt phương tiện đo/năm) trong giao nhận thương mại, đảm bảo an toàn sức khỏe trên địa bàn.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc duy trì, phát triển hệ thống đo lường của tỉnh Nam Định hiện vẫn còn gặp những khó khăn. Thực tế sau 3 năm thực hiện Đề án 996, trong quá trình quản lý Nhà nước về đo lường cho thấy, hệ thống chuẩn đo lường là tài sản Nhà nước ở địa phương hiện nay đang được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, khai thác. Tuy nhiên, đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên nên việc bảo quản, duy trì đảm bảo tính liên kết với chuẩn đo lường quốc gia còn nhiều bất cập (chưa liên kết thường xuyên, hệ thống thiết bị hư hỏng, thiếu chính xác); việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả (có chuẩn nhưng năng lực thực hiện phép đo còn hạn chế); trong nhiều năm qua chưa được đầu tư mở rộng lĩnh vực đo hoặc nâng cao độ chính xác của chuẩn hiện có… do nhiều nguyên nhân và chưa có giải pháp căn cơ. Công nghệ đo lường trên thế giới ngày càng phát triển cùng với thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều thiết bị đo mới ra đời ứng dụng công nghệ không tiếp xúc, đo từ xa, đo tự động… với độ chính xác cao, tích hợp nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu đo đạc của con người và quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với hoạt động đo lường (cả đo lường pháp quyền và đo lường công nghiệp) không chỉ ở tỉnh Nam Định.

Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế trên, Sở KH&CN Nam Định đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ chương trình đảm bảo đo lường đối với các doanh nghiệp thực hiện phép đo nhóm 1. Thực hiện điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu đo lường của doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó định hướng thiết lập chuẩn đo lường cho đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý Nhà nước và những lĩnh vực đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH&CN đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện dịch vụ công “Thiết lập, duy trì, bảo quản, khai thác chuẩn đo lường”.

Thông qua hoạt động đo lường có thể hiểu rõ nhu cầu mong muốn duy trì và sớm phát triển hệ thống đo lường của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng và người dân tỉnh Nam Định nói chung. Đo lường chính là một công cụ quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong tương lai.

Ngọc Ánh

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)