Chủ nhật, 23/04/2023 13:51

Quản trị thông qua số liệu thống kê chính thức: Kinh nghiệm từ một dự án

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác và Phát triển Italia (AICS) tại Hà Nội tổ chức lễ tổng kết dự án “Cải thiện hệ thống thống kê quốc gia Việt Nam” do AICS tài trợ bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chủ đề của lễ tổng kết là “Quản trị thông qua số liệu thống kê chính thức: Kinh nghiệm từ một dự án thành công”.

Tháng 02/2018, dự án “Cải thiện hệ thống thống kê quốc gia Việt Nam” được Chính phủ nước Cộng hòa Italia phê duyệt tài trợ trong 3 năm (từ 2018-2021) với 5 hợp phần: 1) Xây dựng năng lực thể chế; 2) Thống kê năng lượng; 3) Thống kê môi trường và biến đổi khí hậu; 4) Phổ biến thông tin thống kê; Hợp phần 5: Công nghệ thông tin và truyền thông. Dự án kéo dài thêm 18 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mục tiêu tổng quát của dự án là tăng cường năng lực của TCTK nhằm thực hiện tốt hơn vai trò dẫn dắt, điều phối hệ thống thống kê quốc gia và hoạt động theo hướng cơ quan dịch vụ công có hiệu quả, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp. Sau gần 5 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành 100% khối lượng công việc và đạt được những kết quả tốt đẹp như mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương bày tỏ, để đạt được những kết quả đáng khích lệ trong gần 5 năm qua là nhờ sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả từ đối tác, sự cố gắng nỗ lực, cam kết mạnh mẽ của TCTK để hướng tới mục tiêu nâng cao tính hiệu quả hoạt động của TCTK, đưa ra những số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch phục vụ chính sách, phục vụ người dân, từng bước nâng cao vị thế của TCTK trong cộng đồng thống kê quốc tế. Dự án được thực hiện thành công đã góp phần cải thiện một bước tư duy tổ chức quản lý, tư duy sản xuất và sử dụng dữ liệu thống kê theo tiêu chẩn hiện đại, thay đổi lề lối làm việc, tiếp nhận và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật.

Báo cáo tổng kết dự án tại lễ tổng kết cho thấy, hợp phần xây dựng năng lực thể chế đã được triển khai trong sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đã tiến hành thực hiện thí điểm bộ công cụ Lime survey để khảo sát về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của thống kê bộ, ngành. Hợp phần thống kê năng lượng đã từng bước cải thiện hệ thống thống kê năng lượng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, theo đó TCTK đã thực hiện báo cáo gửi Liên hợp quốc về năng lượng ở Việt Nam; nâng cao phương pháp luận trong biên soạn bảng cân đối năng lượng của Việt Nam và các chỉ số liên quan đến năng lượng. Hợp phần Thống kê môi trường và biến đổi khí hậu đã biên soạn được báo cáo thí điểm quan trọng về “Chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường đô thị và biến đổi khí hậu tại Việt Nam”; đây là lần đầu tiên, TCTK biên soạn được một báo cáo đầy đủ, chi tiết về vấn đề môi trường. Hợp phần phổ biến thông tin đã đạt được kết quả hợp tác rõ nét ngay khi dự án thực hiện được 18 tháng. Các chuyên gia, Cơ quan Thống kê Italia đã hỗ trợ TCTK xây dựng trang web mới với giao diện thân thiện, truy cập đơn giản, dễ sử dụng để giới thiệu, truyền thông và nhận diện TCTK và khai thác số liệu thống kê hiệu quả nhất. Hợp phần công nghệ thông tin và truyền thông cũng đạt được những kết quả rõ nét thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất số liệu thống kê nhằm đảm bảo số liệu thống kê chính xác và kịp thời.

Các khách mời trong phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề “Điều phối thông minh, thống kê hiệu quả” chia sẻ góc nhìn về công tác thống kê và hoạt động điều phối thống kê

Tại phiên tọa đàm cấp cao “Điều phối thông minh, thống kê hiệu quả”, các đại biểu tham dự được nghe khách mời đại diện từ Cơ quan thống kê của Liên hợp quốc (UNSD), Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), đại diện của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tạp chí Kinh tế Việt Nam cùng chia sẻ, trao đổi và thảo luận. Qua Phiên tọa đàm, nhiều vấn đề đã được cái đại biểu chia sẻ như: vai trò quan trọng của các cơ quan thống kê quốc gia; vai trò của dữ liệu chất lượng, hệ sinh thái dữ liệu; vai trò của truyền thông trong việc công nhận giá trị tăng thêm của số liệu thống kê chính thức, nhu cầu cần phổ biến số liệu kịp thời dẫn đến việc sử dụng số liệu phi chính thức, hệ sinh thái dữ liệu cung cấp số liệu phi chính thức theo thời gian thực thông qua các công cụ phổ biến mới như mạng xã hội, internet; tầm quan trọng của số liệu thống kê phi chính thức, sự hợp tác giữa nhà sản xuất và người sử dụng số liệu thống kê để sản xuất số liệu phù hợp hơn với nhu cầu của người sử dụng cuối cùng...

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)