Hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi và quay lại tăng trưởng, nhưng sản lượng vẫn chưa quay lại các mức trước đại dịch.
Báo cáo của WB cho biết, hoạt động kinh tế ở hầu hết các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi sau các cú sốc gần đây chủ yếu nhờ vào xuất khẩu hàng hóa và tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, sản lượng của các quốc đảo Thái Bình Dươngvẫn nằm dưới mức trước đại dịch. Lạm phát ở một số quốc gia vẫn cao hơn khoảng mục tiêu. Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc vào: tăng trưởng toàn cầu (dự báo sẽ giảm trong năm 2023 so với 2022, cho dù những dự báo gần đây khá lạc quan); giá cả thương phẩm, đang chững lại; điều kiện huy động tài chính dự kiến vẫn tiếp tục bị thặt chặt khi phải đối mặt với áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ.
Với góc nhìn rộng hơn, WB cho rằng, sau hơn 2 thập kỷ tính từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn cao và ổn định hơn so với các quốc gia còn lại trên thế giới. Kết quả giảm nghèo đạt được khá ấn tượng và bất bình đẳng cũng giảm trong thập kỷ qua. Trong cả giai đoạn Đại suy thoái và đại dịch Covid-19, các nền kinh tế trong khu vực chứng tỏ khả năng chống chịu cao hơn phần lớn các nền kinh tế còn lại.
Tuy nhiên, những thành tựu đó không thể che khuất nguy cơ tổn thương trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn lại quá khứ, dù quản lý kinh tế vĩ mô đã lành mạnh hơn sau khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng những cải cách cơ cấu nhằm đem lại năng suất cao hơn vẫn còn hạn chế. Các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương trước đây có xu hướng tiến sát các nền kinh tế thu nhập cao nhanh hơn so với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi khác, nhưng xu hướng này đến nay đã chững lại. Đến nay, những tổn hại do đại dịch, chiến tranh và điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt với người dân, doanh nghiệp và chính phủ đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng và tăng bất bình đẳng. Khu vực đang phải đối mặt với những vấn đề đó ngay cả khi đang phải đối mặt với những thách thức lớn về đảo ngược toàn cầu hóa, dân số già hóa và biến đổi khí hậu, đều là những vấn đề mà khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương vì sau khi phát đạt nhờ thương mại, khu vực này đang già hóa rất nhanh, vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.
Từ phân tích những nguy cơ bị tổn thương trong thời gian tới, Báo cáo của WB đã đưa ra 4 nhóm giải pháp cho các quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: 1) Cải cách tài chính vĩ mô nhằm hỗ trợ phục hồi hiện nay và tăng trưởng bao trùm trong tương lai; 2) Cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo trên toàn bộ nền kinh tế; 3) Cải cách xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu nhằm nâng cao khả năng chống chịu thông qua thích ứng hiệu quả; 4) Hợp tác quốc tế nhằm giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo mở cửa thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ, lý tưởng nhất là theo hướng đa phương, nhưng đồng thời cả song phương và trong khu vực.
VVH