Thứ năm, 16/03/2023 16:05

Đồng Tháp: Mô hình sản xuất mè luân canh trên nền đất lúa gắn với tiêu thụ

Nguyễn Thị Trúc Ly, Phạm Thị Hồng

Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm, Sở KH&CN Đồng Tháp

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất mè luân canh trên nền đất lúa gắn với tiêu thụ tại tỉnh Đồng Tháp” do Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp chủ trì đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Dự án được triển khai trên 20 ha đất lúa ở 4 huyện: Lấp Vò, Lai Vung, Tân Hồng, Hồng Ngự và canh tác theo mô hình luân canh ở vụ xuân hè bên cạnh 3 vụ lúa trong năm. Kết quả cho thấy, năng suất mè tăng khoảng 18% so với phương thức gieo trồng cũ, giảm 47% lượng thuốc và phân bón hóa học, giúp gia tăng lợi nhuận 15%.

Xu hướng luân canh để thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng gia tăng tại các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc luân canh cây trồng là nhu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Trong các loại cây trồng có thế mạnh, cây mè là một trong những đối tượng cần được quan tâm phát triển vì đây là cây ngắn ngày có thể phát triển tốt trong điều kiện canh tác khô hạn, bán khô hạn và mặn. Bên cạnh đó, loài cây này còn có giá trị sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.

Những năm gần đây, bên cạnh mô hình “tôm - lúa” được xem là mô hình sản xuất thành công ở ĐBSCL, người nông dân còn áp dụng nhiều hình thức sản xuất khác, vừa tận dụng thế mạnh thổ nhưỡng, vừa thích ứng với diễn biến khó lường của xâm nhập mặn. Điển là việc áp dụng mô hình sản xuất mè luân canh trên nền đất lúa. Nhận thấy hiệu quả thực tế này, Đồng Tháp đã quyết định đưa cây mè vào danh sách những cây trồng trong hệ thống luân canh cây trồng trên đất lúa. Năm 2019, UBND Tỉnh đã phê duyệt và giao Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất mè luân canh trên nền đất lúa gắn với tiêu thụ tại tỉnh Đồng Tháp”. Dự án đã chọn 20 ha lúa tại 4 huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Tân Hồng và Hồng Ngự để thực hiện.

Mô hình sản xuất mè luân canh gắn với tiêu thụ sản phẩm

Dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng việc sản xuất mè của bà con nông dân; đánh giá ảnh hưởng của thời điểm gieo sạ, thu hoạch, phương pháp bảo quản và chất lượng hạt giống mè mà bà con từng bảo quản… từ đó thiết kế mô hình đồng ruộng và tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn kỹ thuật canh tác mè cải tiến cho người dân, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu chọn giống. Dự án đã lựa chọn từng loại mè phù hợp cho mỗi vùng đất cụ thể, sao cho mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất (mè vàng cho huyện Hồng Ngự và Tân Hồng, mè đen cho huyện Lấp Vò và Lai Vung). Qua đó, thời gian gieo trồng và thu hoạch cũng được nghiên cứu kỹ cho từng vùng: Xuống giống ngay sau vụ lúa đông xuân (khoảng tháng 1-2), thu hoạch vào tháng 4-5 đối huyện Hồng Ngự và Tân Hồng; xuống giống tháng 2-3, thu hoạch vào tháng 5-6 đối với huyện Lấp Vò và Lai Vung. Dự án cũng áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mè, giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng khả năng chịu hạn của cây mè.

Mô hình mè trồng thử nghiệm của dự án.

Kết quả cho thấy, năng suất mè tăng khoảng 18%, giảm khoảng 47% lượng phân bón và thuốc trừ sâu, giúp gia tăng lợi nhuận khoảng 15% so với phương pháp canh tác truyền thống. Trung bình lợi nhuận của mô hình trồng mè luân canh trên nền đất lúa tại Lấp Vò là trên 15 triệu đồng/ha, Lai Vung là trên 12 triệu đồng/ha; tại hai huyện Hồng Ngự và Tân Hồng là khoảng 10 triệu/ha. Đặc biệt, có điểm trồng lợi nhuận cao nhất có thể lên đến 34.338.462 đồng/ha (tại huyện Lấp Vò) và 32.334.615 đồng/ha (tại huyện Lai Vung).

Để nhân rộng mô hình sản xuất, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở/ngành có liên quan tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất rau màu, cây ăn trái tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến cáo bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, giảm diện tích trồng lúa. Đặc biệt, ở các khu vực có đê bao vững chắc, vùng gò cao, cù lao... có thể chuyển 2 lúa - 1 màu, 1 lúa - 2 màu; trong đó chú trọng các loại cây trồng ngắn ngày có khả năng tiêu thụ, chế biến lớn như mè để nâng cao giá trị, lợi nhuận cho người dân.

Có thể khẳng định, việc đưa cây mè vào danh sách những cây trồng trong hệ thống luân canh trên đất lúa vừa phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc giải quyết vấn đề khô hạn trong canh tác nông nghiệp do biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp. Hiệu quả của mô hình sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới, mô hình mè vụ xuân - hè, góp phần cải thiện đáng kể hàm lượng sinh dưỡng trong đất, định hướng phát triển hệ thống đất canh tác bền vững trong tương lai, tạo thêm công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần gia tăng năng suất, lợi nhuận giúp đời sống người dân ngày càng ổn định.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)