Thứ sáu, 10/03/2023 15:52

TP Hồ Chí Minh: Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng bền vững

Ngày 09/3/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP và công bố Giải thưởng I-Star 2023. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP được định hướng phát triển theo hướng lâu dài, bền vững và có lợi thế cạnh tranh, dựa trên việc thu hút tốt các nguồn lực trong và ngoài nước.

Tiến gần đến top 100 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu

Tại Hội nghị, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST các quốc gia năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu - StartupBlink, TP Hồ Chí Minh tiến gần đến top 100 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu (vị trí 111).

Năm 2022 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST của TP. Theo thống kê của Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup), năm 2022, Việt Nam có 110 thương vụ đầu tư mạo hiểm (71 thương vụ được công bố có tổng giá trị là 727,5 triệu USD). Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 69 thương vụ (45 thương vụ được công bố có tổng giá trị là 591 triệu USD), chiếm 80% số vốn của cả nước và 62% số thương vụ của cả nước. Tại TP Hồ Chí Minh hiện đã có 124 doanh nghiệp báo cáo thành lập quỹ phát triển KH&CN với tổng số tiền trích quỹ hơn 4.400 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng quỹ hơn 1.353 tỷ đồng. TP đã có 111 doanh nghiệp KH&CN, nhiều nhất cả nước.

Đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trong năm 2022, TP đã hỗ trợ 5 dự án ươm tạo, 2 khóa huấn luyện; hỗ trợ gần 2.000 học viên và 158 dự án. Trong khối nhà nước, tổ chức 15 cuộc thi khởi nghiệp ĐMST, thu hút 2.100 dự án tham gia, trong đó có 250 dự án được đưa vào các chương trình ươm tạo. Riêng chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp ĐMST (speedup), trong số gần 60 dự án đã nghiệm thu trong 5 năm qua, có 9 dự án gọi được vốn, 2 dự án hoàn trả kinh phí cho Chương trình và 7 dự án gọi được vốn cho giai đoạn tiếp theo thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin về thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ giáo dục.

Tiếp tục xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST theo hướng bền vững và có lợi thế cạnh tranh

Về định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2023, Sở KH&CN tập trung tham mưu, đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP theo hướng lâu dài, bền vững và có lợi thế cạnh tranh. Hiện tại, Sở KH&CN đang tham mưu mô hình và đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST TP Hồ Chí Minh cùng nền tảng trực tuyến thúc đẩy ĐMST; đồng thời, thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công; phát triển các mô hình thương mại hóa trong trường đại học. Bên cạnh đó, Sở cũng hướng đến các chương trình liên kết quốc tế nhằm kêu gọi nguồn vốn nước ngoài cho các dự án khởi nghiệp ĐMST trong nước. Trong đó có chương trình hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST từ Israel để triển khai chương trình tập huấn cho cộng đồng startup giải quyết những thách thức thường gặp trong hoạt động khởi nghiệp.

Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong hơn 5 năm qua, sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TP Hồ Chí Minh đã có những bước bứt phá; tuy nhiên, còn phải tiếp tục phấn đấu rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động xấu. Ông Nguyễn Việt Dũng kêu gọi sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST vào khu vực công. Theo ông: "Dư địa thị trường ĐMST khu vực công rất lớn, nhưng rất tiếc các startup, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ít nhìn vào thị trường này. Nhiều vấn đề trong khu vực công đang rất cần doanh nghiệp tham gia giải quyết bằng các giải pháp công nghệ. Cần  nhìn đúng thực tế, nhu cầu nội địa hiện nay để quan tâm đầu tư khởi nghiệp, ĐMST”.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đang tham mưu cho TP thực hiện cơ chế ưu đãi về thuế như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các thành phần chủ chốt trong hệ sinh thái. "Chúng ta có lợi thế nhân sự, thị trường, tỷ lệ người dân tiếp cận internet…, nhưng chúng ta chưa thu hút được nguồn lực trong và ngoài nước. Do vậy, cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về thuế để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia cung cấp giải pháp ĐMST cho khu vực công" - bà Phan Thị Quý Trúc chia sẻ.

MN

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)