Thứ sáu, 09/09/2022 08:25

Khoa học và công nghệ trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng

Nguyễn Hữu Xuân

Chi cục Thủy sản Hải Phòng

Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế thủy sản toàn diện về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá với diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng 42.000 ha (nước ngọt 10.200 ha; nước lợ 14.400 ha và nước mặn khoảng 17.400 ha). Hệ thống sông ngòi của Hải Phòng có mật độ khá cao, được hình thành bởi các hệ thống sông chính là sông Bạch Đằng, Đá Bạc, Cấm… Đặc điểm của các sông khá phức tạp với dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn, thường tạo thành những bãi bồi, đầm nước hoặc vùng trũng ven sông, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh ở cả ba vùng nước ngọt, lợ, mặn; giá trị sản lượng tăng đều hằng năm với các đối tượng nuôi có hiệu quả cao như tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá biển… Từ đó, Hải Phòng đã và đang thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu và phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, vùng sản xuất tập trung, nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao.

Hải Phòng là thành phố có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế thủy sản.

Thực trạng, chính sách nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng

Với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và sản lượng lớn (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển) thì khu vực nuôi nước lợ giữ vai trò quan trọng trong kết quả sản xuất thủy sản của Thành phố nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Trong đó, tôm nước mặn, nước lợ với các loại như tôm sú, thẻ chân trắng được xác định là những đối tượng nuôi chủ lực bởi giá trị kinh tế cao, đầu ra cho sản phẩm rộng mở, quy mô sản xuất lớn, trình độ kinh nghiệm và khả năng quản lý của người nuôi cao. Đã từ lâu Hải Phòng là nơi hội tụ không những của nghề cá vịnh Bắc Bộ, mà còn là nơi tập kết hàng thủy sản thương phẩm cũng như con giống, vật tư để cung cấp cho thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, với các đầu mối giao thông của quốc lộ 5, 10, 18, sân bay Cát Bi… hàng thủy sản có thể từ đây tỏa đi khắp các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố Hải Phòng là 12.198,5 ha, tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Thành phố hiện nay có xu hướng chững lại bởi nguyên nhân dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Mặc dù vậy, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của thành phố Hải Phòng tiếp tục có sự duy trì, tăng trưởng nhẹ. Theo đó, sản lượng thủy sản cả năm 2021 đạt hơn 184 triệu tấn (tăng 2,01% so với năm 2020); trong đó, sản lượng nuôi đạt 72.800 tấn, tăng 1,52% so với năm 2020, sản lượng khai thác đạt hơn 111.000 tấn, tăng 2,33% so với năm 2020. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2021 đạt trên 5,62 tỷ đồng, tăng 3,08% so với năm 2020. Số ô lồng nuôi cá lồng bè là 9.462 ô lồng/440 bè (trong đó có gần 7.900 ô nuôi, 1.500 ô làm nhà ở), đối tượng chủ yếu là cá song, cá rô, cá vược… 3,72 ha/406 giàn nuôi nhuyễn huyết (hầu, ngao, hai cù…).

Hiện nay, Thành phố chỉ có một số mô hình tiên tiến như nuôi cá lồng bè trong lồng hợp kim đồng, bè nổi đầu tư theo công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường của các viện nghiên cứu; còn lại chủ yếu là các bè nuôi truyền thống với ô lồng, bè nuôi được làm bằng vật liệu giàn tre, phao xốp… gây ô nhiễm mô trường biển. Sau khi thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, Thành phố Hải Phòng đã nhận được tham mưu từ các sở, ban, ngành. Theo đó, các vật liệu và trang, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải đảm bảo chắc chắn, bền vững, có khả năng chống chịu sóng, gió, các chất khử trùng, tiêu độc và không ảnh hưởng tới cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Tại Hải Phòng nuôi trồng thủy sản đa số vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh cải tiến, bán thâm canh. Diện tích nuôi thâm canh chỉ chiếm 20% tổng diện tích nuôi. Với quy mô hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn, nguồn lực kinh tế hạn hẹp nên việc đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để đưa nuôi trồng thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung còn hạn chế.

Về chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành trong Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Quy hoạch Khu, Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030; huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung đưa các dự án nuôi thủy sản thâm canh công nghiệp ở Phù Long, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão vào sản xuất. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các đối tượng: tôm chân trắng, cá vược - cá song trong ao đất, cá rô phi có diện tích 50 ha trở lên (nước ngọt: Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão; nước lợ: Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên, Dương Kinh, Cát Hải. Nhân rộng các mô hình, dự án nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao gắn với xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Triển khai chương trình áp dụng quy phạm thực hiện thực hành nuôi tốt (GAP), quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thủy sản. Tăng cường các biện pháp quản lý, chuyển giao khoa học và công nghệ, tạo sản phẩm nuôi sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp thu và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo, công nghệ nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong nuôi trồng thuỷ sản.

Bên cạnh đó, triển khai chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường bệnh dịch làm công cụ quản lý và hướng dẫn các sở cơ sở nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững. Các công nghệ áp dụng phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản tại Hải Phòng: công nghệ ao nổi lót bạc HDPE, nhà bạt nuôi tôm qua đông, sử dụng máy khử trùng nước bằng tia cực tím, nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng Biofloc… các công nghệ đang được thực nghiệm triển khai như ứng dụng: hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) trong nuôi tôm thẻ chân trắng; nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Biofloc; ứng dụng công nghệ sinh học Biofloc trong nuôi cá rô phi nước lợ. Các mô hình cho lợi nhuận 200-800 triệu đồng/ha; đặc biệt, mô hình sản xuất giống thủy sản mặn, lợ đạt doanh thu trên 500 triệu đồng/hộ/năm.

Định hướng và giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Để ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học và công nghệ, phát huy thế mạnh “mạnh từ biển, làm giàu từ biển”, Hải Phòng cần thực hiện đồng bộ các định hướng và giải pháp sau:

Ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của lĩnh vực thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Về định hướng

Hải Phòng cần thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản (trọng tâm là thuỷ sản nuôi lợ, mặn) có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi tập trung các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế (tôm nước lợn, cá biển, cá vược…) nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích.

Về giải pháp

Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn tới đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới địa phương. Đối với giống thủy sản, cần phát triển giống thuỷ sản mới có năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh quan tâm đến việc phát triển ứng dụng công nghệ cao cho hoạt động nuôi ở vùng biển xa (biển hở).

Hai là, tập trung nguồn lực cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất thủy sản; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư (Thành phố, Trung ương) cho xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu dùng chung của các cơ sở sản xuất giống, vùng nuôi trồng thuỷ tập trung, ứng dụng công nghệ cao (hệ thống thuỷ lợi, điện, giao thông…). Phát triển, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuối giá trị từ sản xuất giống/thức ăn, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Ba là, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuế đất, mặt nước; nghiên cứu xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Có thể nói, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của Hải Phòng đã bám sát mục tiêu phát triển của Thành phố thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao đã được quan tâm triển khai và coi là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu tạo thêm sức cạnh tranh và uy tín của sản phẩm thủy sản Thành phố tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)