Sơ lược về NNHC
NNHC là các hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. NNHC nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu từ bên ngoài và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương. NNHC được thực hiện phụ thuộc vào khả năng từng vùng về các phương pháp trồng trọt, sinh học, cơ học, hạn chế việc dùng các vật liệu tổng hợp để đáp ứng bất cứ một chức năng riêng biệt nào trong hệ thống. NNHC hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, tăng trọng, hóa chất dùng để bảo quản. Sản phẩm NNHC có chất lượng gần giống với sản phẩm của thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon. NNHC đang là xu hướng phát triển trên thế giới trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như việc đảm bảo sự bền vững cho môi trường.
Sản phẩm NNHC là kết quả của quá trình sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát vật tư đầu vào như không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các chất phụ gia, hạt giống biến đổi gen… trong quá trình sản xuất và kiểm soát rất chặt chẽ trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Do vậy, sản phẩm NNHC được coi là thân thiện với môi trường, sạch, an toàn và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Sản xuất hữu cơ là một hệ thống canh tác rất hữu ích cho các hoạt động nông nghiệp quy mô tùy theo điều kiện sản xuất. Đối với rau hữu cơ, mặc dù chi phí chứng nhận, thời gian và lao động tham gia quản lý hệ thống cao hơn sản xuất rau thông thường, nhưng lợi nhuận và hiệu quả rất cao khi thị trường phát triển tốt cho các sản phẩm rau hữu cơ được gieo trồng. Ngoài ra, còn đóng góp lớn cho việc bảo vệ môi trường sống và cung cấp sản phẩm sạch, hữu cơ cho nhu cầu cuộc sống con người và bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Thực trạng NNHC ở Việt Nam
Thống kê ghi nhận được trong năm 2018 cho thấy, vào năm 2016, trên địa bàn cả nước có 53.358 ha sản xuất NNHC được chứng nhận, chiếm khoảng 0,5% diện tích đất canh tác. Ngoài ra, còn có 58.199 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ và 7.208 ha rừng nguyên sinh có thể khai thác sản phẩm hữu cơ tự nhiên. Tuy nhiên, do còn nhiều vi phạm trong sản xuất và chế biến khiến người tiêu dùng thiếu niềm tin, trong khi môi trường pháp lý và chính sách chưa được quan tâm đúng mức. NNHC Việt nam phát triển chủ yếu nhờ vào phong trào của Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS) từ năm 2008. Hiệp hội NNHC Việt nam (VOOA) ra đời năm 2012, đã góp phần thúc đẩy xu hướng sản xuất hữu cơ tại Việt nam.
Phong trào sản xuất hữu cơ thực sự được khởi nguồn dựa trên nhu cầu của thị trường và xã hội. Gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của NNHC trong cơ cấu nông nghiệp nói chung, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy NNHC tại Việt nam nhằm bắt kịp xu hướng của thế giới. Tiêu chuẩn Quốc gia về NNHC TCVN 11041 được ban hành vào cuối năm 2017, tiếp theo là Nghị định 109/2018 về phát triển NNHC. Động thái thay đổi trong các Nghị định và hệ thống chứng nhận hữu cơ đã mở ra hướng phát triển mới chủ động cho doanh nghiệp và người sản xuất NNHC. Theo thống kê nghiên cứu NNHC thế giới của FiBL năm 2018, diện tích đất NNHC của Việt Nam đã lên tới 237.693 ha, chiếm 2,2% diện tích đất nông nghiệp. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020-2030, với các giải pháp chính sách nhằm mục tiêu 3% diện tích đất nông nghiệp trồng theo phương pháp hữu cơ vào năm 2030.
Tại Việt Nam mô hình NNHC đầu tiên là dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) dưới sự hỗ trợ của Tổ chức CIDCE. Tiếp đó là dự án rau an toàn, lúa, cam, bưởi, chè, cá… tại Hà Nội (1998-2004) do Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) hỗ trợ. Đến năm 2004, dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng tổ chức ADDA đã triển khai thực hiện thành công NNHC cho nhiều nhóm nông dân tại Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… Các sản phẩm hữu cơ được dự án hỗ trợ bao gồm: rau hữu cơ ở Lương Sơn - Hòa Bình, Thanh Xuân - Sóc Sơn, Hà Nội; chè shan tuyết tại Bắc Hà, Lào Cai; cam Hàm Yên, Tuyên Quang... Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 33/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất NNHC với nhiều mô hình có hiệu quả, như: trang trại rau củ Organik Đà Lạt, nhà máy chế biến dầu dừa Phú Hưng ở Bến Tre, nhà máy chè Cao Bồ ở Vị Xuyên - Hà Giang, nông trại Viễn Phú sản xuất gạo Hoa sữa và sản phẩm handmade ở Cà Mau và hiện nay có nhiều tập đoàn đang đầu tư mạnh mẽ phát triển sản phẩm hữu cơ như TH true Milk…
Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhất là trong nghiên cứu, triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản Việt Nam chưa cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhiều loại sản phẩm chưa đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay trên thị trường nội địa, người tiêu dùng không thể phân biệt được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm không an toàn, sự không minh bạch của sản phẩm không an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của mọi người. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức vô cùng to lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu chỉ có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải triển khai nhanh một nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác thích hợp với tình hình mới vì hạn, nhiễm mặn, nóng, lạnh, lũ lụt, bão thì thực phẩm không an toàn sẽ đem đến nhiều hệ lụy trầm trọng hơn vì đây là nguyên nhân phá hủy môi trường và di truyền đến cho sức khỏe của nhiều thế hệ con cháu mai sau. Trong tình hình người tiêu dùng rất lo ngại về thực phẩm không an toàn hiện nay, việc phát triển NNHC là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, NNHC mà chúng ta muốn xây dựng là một nền nông nghiệp tuân thủ 4 nguyên tắc về: sức khỏe, sinh thái, công bằng, và quan tâm.
Một số đề xuất, giải pháp
Sản xuất NNHC, nâng cao chất lượng nông sản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường là mục tiêu hướng tới trong tương lai. Trong thời gian tới, NNHC cần khai thác tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên sẵn có của khu vực sản xuất: độ phì sẵn có của đất; sử dụng các nguồn gen, giống cây trồng địa phương để phát huy tính thích nghi, thích hợp và ổn định của nông nghiệp bền vững; khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ gieo trồng và các nguồn phân hữu cơ.
Bên cạnh đó, NNHC cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, tăng trọng, hóa chất dùng để bảo quản nhằm tạo ra những sản phẩm NNHC có chất lượng gần giống với sản phẩm thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon.
Ngoài ra, cần có chương trình tập huấn tuyên truyền cho người dân nắm rõ kỹ thuật canh tác rau theo hướng hữu cơ, ứng dụng tạo điều kiện giúp cho nông dân tiếp thu công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát thị trường, hình thành hệ thống liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Không những thế, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trạm khuyến nông, các đơn vị chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc xây dựng mô hình trình diễn canh tác hữu cơ để tăng độ tin cậy, tăng tính lan tỏa trong xã hội.