Thứ tư, 02/11/2022 08:01

Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin: “Bình mới rượu nhạt”?

TS Lê Vũ Vân Anh

Đại học Oxford, Vương quốc Anh

Ngày 17/6/2022, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã thông qua một văn kiện được chờ đợi từ rất lâu là Văn kiện WT/MIN(22)/301. Đây là kết quả của gần 2 năm đàm phán liên quan đến việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, về cơ bản, Văn kiện WT/MIN(22)/30 không làm thay đổi bản chất của Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) mà chỉ đơn giản hóa và làm rõ hơn một vài vấn đề liên quan đến bằng sáng chế.

Văn kiện WT/MIN(22)/30 liên quan đến việc miễn trừ quyền SHTT cho vắc xin Covid-19 được thông qua sau gần 2 năm đàm phán.

Từ đề xuất miễn trừ quyền SHTT

Văn kiện WT/MIN(22)/30 dài 2 trang với 9 khoản xuất phát từ một đề xuất đầy tham vọng của Ấn Độ và Nam Phi vào tháng 10/2020 khi kêu gọi các thành viên WTO từ bỏ tạm thời quyền SHTT đối với bằng sáng chế, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp và bí mật kinh doanh liên quan đến việc “ngăn chặn, phòng ngừa hoặc điều trị Covid-19… cho đến khi việc tiêm chủng trở nên rộng rãi trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đã phát triển khả năng miễn dịch”2.

Tham vọng của Ấn Độ và Nam Phi xuất phát từ việc nhiều nước nghèo không tiếp cận được với các nguồn vắc xin trong giai đoạn đầu của việc tiêm chủng. Khỏi phải nói, đề xuất này đã gây tranh cãi dữ dội như thế nào. Rất nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (hơn một nửa trong số 164 thành viên của WTO, bao gồm cả Việt Nam3) và các tổ chức phi chính phủ liên quan đến sức khoẻ và dược phẩm4 đã ủng hộ đề xuất này. Ngược lại, các quốc gia và khu vực có thu nhập cao như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Liên minh châu Âu5 và các công ty dược phẩm đã phản đối mạnh mẽ khi cho rằng, SHTT không phải là vấn đề gây chậm trễ trong việc triển khai vắc xin mà là các vấn đề liên quan đến sản xuất, nguyên liệu và hậu cần.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ dưới thời của Tổng thống Biden, vào tháng 5/2021, đã có một sự thay đổi bất ngờ khi tuyên bố ủng hộ đề xuất này6. Sự thay đổi của Hoa Kỳ đã xoay chiều cuộc tranh luận, vì đây là quốc gia được xem là có vai trò lãnh đạo toàn cầu và quan trọng hơn là quốc gia có danh tiếng lâu đời về việc bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống bằng sáng chế và các vấn đề liên quan.

Cho đến văn kiện cuối cùng

Đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ buộc các thành viên WTO ngồi vào bàn đàm phán và tìm cách giải quyết mâu thuẫn này. Sau 18 tháng đàm phán, khi Covid-19 đã nhường chỗ cho nhiều tin tức khác trên các mặt báo và tình trạng thiếu hụt vắc xin đã không còn, các quốc gia đã thống nhất những khác biệt thông qua Văn kiện WT/MIN(22)/30.

So với đề nghị ban đầu, Văn kiện này có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn nhiều. Nó không miễn trừ bất kỳ quyền SHTT nào mà chủ yếu làm rõ việc áp dụng các điều khoản TRIPS linh hoạt hiện có, bao gồm cả giấy phép bắt buộc (compulsory licensing). Đầu tiên, Văn kiện tập trung vào bằng sáng chế độc quyền chứ không phải nhiều loại tài sản trí tuệ khác (quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp hay bí mật kinh doanh) như trong đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi. Văn kiện bỏ qua quyền của chủ sở hữu tại Điều 28(1) TRIPS cho phép chủ quyền cấm người khác chế tạo, sử dụng, bán, chào bán, nhập khẩu các sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế trong thời hạn bằng sáng chế có hiệu lực (20 năm). Nghĩa là, quốc gia thành viên WTO đủ điều kiện được sử dụng bằng sáng chế mà không cần sự cho phép của chủ quyền7. Tuy nhiên, việc sử dụng nêu trên chỉ “bao gồm các thành phần và quy trình cần thiết để sản xuất vắc xin Covid-19”. Các thành viên có 6 tháng kể từ ngày ra Văn kiện để cân nhắc có “mở rộng áp dụng cho việc sản xuất và cung cấp các phương pháp chẩn đoán và điều trị Covid-19”8.

Bên cạnh đó, các nước vẫn có thể sử dụng chế định giấy phép bắt buộc tại Điều 31 TRIPS một cách độc lập với văn kiện này cho sản xuất và cung cấp phương pháp chẩn đoán, như đã khẳng định trong đoạn 9 của Văn kiện.

Ngoài ra, chỉ các quốc gia đang phát triển mới đủ điều kiện áp dụng9. So với Điều 31bis của TRIPS chỉ tự động áp dụng với các nước kém phát triển nhất, Văn kiện này có phạm vi áp dụng rộng hơn. Tuy nhiên, các nước đang phát triển có “năng lực sản xuất vắc xin Covid-19 được khuyến khích đưa ra một cam kết ràng buộc để không sử dụng Văn kiện này”10.  Được biết, hạn chế nêu trên nhằm vào Trung Quốc, là quốc gia duy nhất chiếm hơn 10% xuất khẩu toàn cầu vắc xin Covid-1911.

Rất quan trọng, đoạn 2 của Văn kiện WT/MIN(22)/30 cho phép các quốc gia thành viên không cần phải nội luật hóa. Bất kỳ một văn bản nào cũng đều được xem là phù hợp, như lệnh hành pháp, nghị định khẩn cấp, chính phủ ủy quyền sử dụng, các lệnh tư pháp hoặc hành chính, bất kể quốc gia đó có chế định giấy phép bắt buộc hay không. Với cơ chế thông thoáng như vậy, các quốc gia có thể hành động kịp thời trong những trường hợp khẩn cấp mà không cần trải qua các bước lập pháp phức tạp.

Khoảng thời gian mà các thành viên đủ điều kiện có thể tận dụng Văn kiện này là 5 năm. Đại Hội đồng có thể kéo dài một thời hạn tương đương có tính đến hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 và sẽ xem xét Văn kiện này hàng năm12. Hiện Văn kiện không yêu cầu việc từ bỏ thù lao nhưng đề cập đến “mục đích nhân đạo và phi lợi nhuận của việc phân phối vắc xin nhằm tạo ra tiếp cận công bằng đối với vắc xin Covid-19”13 khi xác định "mức thù lao tương xứng" cho các chủ sở hữu bằng sáng chế.

Về tính minh bạch, Văn kiện yêu cầu các thành viên đủ điều kiện “thông báo cho Hội đồng TRIPS bất kỳ biện pháp nào liên quan đến việc thực hiện điều này của Văn kiện, bao gồm cả việc cấp phép”. Văn kiện không buộc các thành viên phải thông báo trước khi thực hiện, nghĩa là quốc gia có thể “tiền trảm hậu tấu”.

“Bình mới rượu nhạt”

Tóm lại, Văn kiện WT/MIN(22)/30 về cơ bản không làm thay đổi bản chất của TRIPS mà chỉ đơn giản hóa và làm rõ hơn một vài vấn đề liên quan đến bằng sáng chế. Thông qua đó, các thành viên có thể mạnh dạn sử dụng các điều khoản TRIPS linh hoạt khi sức khỏe cộng đồng bị đe dọa. Tuy nhiên, tình hình Covid-19 đã trở nên yên ắng ở nhiều nước và vùng lãnh thổ nên tính hiệu quả của văn kiện này không biết đến bao giờ mới được đánh giá.

 

1 Ministerial Decision on the TRIPS Agreement adopted on 17 June 2022 WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

2 Communication from India and South Africa, ‘Waiver from certain provisions of the TRIPS Agreement for the prevention, containment and treatment of COVID-19’ (WTO, Council for TRIPS, 2 October 2020) IP/C/W/669.

3 https://dantri.com.vn/xa-hoi/viet-nam-ung-ho-de-xuat-mien-tru-ban-quyen-vac-xin-cua-tong-thong-my-20210513173123034.htm.

4 https://www.msf.org/countries-obstructing-covid-19-patent-waiver-must-allow-negotiations.

5 Waiver from certain provisions of the TRIPS agreement for the prevention, containment and treatment of Covid-19 - Responses to questions’ (WTO, Council for TRIPS, 15 January 2021), IP/C/W/672.

6 https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2021/may/statement-ambassador-katherine-tai-covid-19-trips-waiver.

7 Đoạn 1, WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

8 Đoạn 8, WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

9 Xem foonote 1, WT/MIN(22)/30, WT/L/1141

10 Xem foonote 1, WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

11 https://www.thinkglobalhealth.org/article/sharpening-tools-pandemic-ending-toolbox.

12 Đoạn 2, WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

13 Đoạn 3(d), WT/MIN(22)/30, WT/L/1141.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)