Thứ tư, 30/11/2022 10:23

Khoa học và công nghệ góp phần tạo thêm khoảng 30% giá trị gia tăng sản lượng thịt và trứng gia cầm

Trong 2 ngày 29-30/11/2022, tại Hà Nội, Viện Chăn nuôi đã tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022; giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viện đã và đang chuyển giao vào sản xuất để phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng trưởng bền vững.

Tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Ngô Thị Kim Cúc thay mặt Lãnh đạo Viện trình bày những kết quả chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện trong giai đoạn 2020-2022. Theo đó, Viện đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 44 nhiệm vụ cấp quốc gia; 159 nhiệm vụ cấp Bộ… Kết quả thực hiện các nhiệm vụ đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi bật và phần lớn được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại nhiều vùng sinh thái trên cả nước, góp phần tạo giá trị gia tăng khoảng 30% sản lượng thịt, trứng gia cầm. Cụ thể, Viện đã chuyển giao vào sản xuất trên 30.000 lợn giống bố mẹ (chuyển giao trực tiếp) và khoảng 100.000 lợn bố mẹ (thông qua chuyển giao lợn giống ông bà), góp phần vào tái đàn lợn sau dịch của các địa phương trong cả nước; 12-13 triệu gà giống các loại; 1,5-2 triệu  vịt giống các loại; 250-300 nghìn ngan giống; 12-15 triệu quả trứng giống các loại. Đặc biệt, các giống gà nội và gà lai lông màu do Viện nghiên cứu chọn lọc, lai tạo ước tính chiếm khoảng 30-35% thị phần chăn nuôi trong nước.

Bên cạnh các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viện đã công bố hơn 560 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín, trong đó có 29 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị.

Năm 2022, các nhà khoa học của Viện vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh (cụm công trình: Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam) và 2 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (cụm công trình: Chọn tạo và phát triển các giống gà lông màu hướng thịt và hướng trứng giai đoạn 2006-2020; Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam của Viện Chăn nuôi giai đoạn 2000-2020).

Bên cạnh báo cáo tham luận chung về hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Chăn nuôi trong giai đoạn 2020-2022 được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe thêm 3 báo cáo tham luận về: công tác chọn tạo giống vật nuôi; dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi; thực trạng và định hướng ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, gần 70 báo cáo khoa học được trình bày tại 3 tiểu ban chuyên môn: Di truyền - giống vật nuôi; Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi; Công nghệ sinh học, thú y, kinh tế, môi trường và kỹ thuật khác.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, ngành nông nghiệp trong năm 2022 mặc dù phải chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, lạm phát toàn cầu và bất ổn chính trị thế giới, nhưng vẫn tạo ra nhiều kết quả tốt trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Thành công trên có sự đóng góp rất lớn của việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, do đó Viện Chăn nuôi cần có sự đột phá trong công tác nghiên cứu chọn tạo giống, nhất là tạo ra những giống và sản phẩm đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thị trường. Bên cạnh đó, Viện cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Điều này không chỉ tạo ra nguồn lực mà còn giúp các đơn vị nghiên cứu của Viện cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu phát biểu tại Hội nghị.

Theo TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, hàng năm các đơn vị nghiên cứu của Viện đã cung cấp cho thị trường hàng chục triệu con giống các loại, hàng trăm nghìn liều tinh trâu, bò chất lượng cao… Trung bình mỗi năm, các sản phẩm khoa học và công nghệ của Viện Chăn nuôi đã góp phần làm tăng giá trị gia tăng cho người chăn nuôi ước tính khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ những thành tựu của khoa học và công nghệ mà tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, trung bình 5-6%/năm. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 25% vào GDP ngành nông nghiệp, qua đó duy trì mức tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Sau phiên khai mạc, Viện Chăn nuôi đã tổ chức phiên họp ở các tiểu ban chuyên môn, gồm: Di truyền - giống vật nuôi; Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi; Công nghệ sinh học, thú y, kinh tế, môi trường và các kỹ thuật khác. Tổng cộng đã có gần 70 báo cáo khoa học được trình bày tại các tiểu ban chuyên môn sau 2 ngày diễn ra Hội nghị.

CT

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)