Thứ bảy, 26/11/2022 14:59

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: chủ động chuyển đổi số, tạo nền tảng cho phát triển bền vững

Trước những xu thế và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thừ 4 (CMCN 4.0), để hội nhập và phát triển thì chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu và là việc làm bắt buộc để các doanh nghiệp tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tối đa hóa chuỗi giá trị… và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) cũng không là ngoại lệ. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo “Chuyển đổi số: Nền tảng cho phát triển bền vững” do PETROVIETNAM vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Xu thế tất yếu

Bên cạnh những biến động về môi trường kinh doanh, bất ổn chính trị ở một số khu vực, ngành dầu khí cũng đang phải đối mặt với sức ép quyết liệt trước xu hướng dịch chuyển năng lượng, giảm phát thải CO­2. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự khan hiếm nhiên liệu, từ nhiều năm trước trên thế giới đã bắt đầu diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và chú trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Trước những xu thế và thách thức đó, PETROVIETNAM đã nhận thức được rằng, CĐS là xu hướng tất yếu của thời đại, đây không còn là việc nên làm mà trở thành việc bắt buộc phải làm để các doanh nghiệp tối ưu phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí, ứng biến linh hoạt với môi trường kinh doanh hiện đại và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Tập đoàn đã xác định, CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, là công cụ để thực hiện dịch chuyển mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng thành công nền kinh tế số, kinh tế xanh.

CĐS để phát triển bền vững

Chủ tịch Hội đồng thành viên PETROVIETNAM Hoàng Quốc Vượng cho biết, Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã nêu rõ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó đã xác định 3 trụ cột chính là: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Ngay từ năm 2020, PETROVIETNAM đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác và đến năm 2021 đã phối hợp với bên tư vấn xây dựng chiến lược, tầm nhìn, lộ trình CĐS và ban hành tầm nhìn số và lộ trình chuyển đổi số cho Tập đoàn, bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022-2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện CĐS. Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15/02/2022 về Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn đến năm 2025, định hướng 2030. Những năm gần đây, công tác số hóa và ứng dụng công nghệ số đã được nhiều đơn vị thành viên của PETROVIETNAM triển khai sâu rộng bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng số hóa, hệ thống quản lý dữ liệu lớn (Big Data). Ngay từ những ngày đầu chính thức bắt tay triển khai xây dựng dưng chiến lược CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quan điểm nhất quán của Lãnh đạo Tập đoàn đó là CĐS trước tiên là thay đổi về nhận thức.

CĐS - Nền tảng cho phát triển bền vững được PETROVIETNAM tổ chức ngày 25/11/2022 tại Hà Nội.

 

Bên cạnh Công ty mẹ, các đơn vị thành viên khác của Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình CĐS để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực.

Điển hình như tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR): từ năm 2016, BSR đã áp dụng hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) với hơn 500 KPI được áp dụng thực hiện. Tối ưu hoá Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Nhà máy do BSR quản lý và vận hành) với các công tác tinh chỉnh bộ điều khiển và triển khai hệ thống điều khiển đa biến, giúp BSR tiết kiệm được khoảng 12 triệu USD. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, BSR đã áp dụng công tác CĐS như hoàn thành và áp dụng hệ thống bộ giải pháp Văn phòng điện tử gồm 15 phân hệ tích hợp; triển khai và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giai đoạn 1 được tích hợp đồng bộ với các hệ thống quản lý sản xuất, quản lý bảo dưỡng, trình ký điện tử…; triển khai và đưa vào khai thác chính thức giải pháp làm việc hiệu suất cao trên nền tảng Microsoft 365 cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, BSR còn đẩy mạnh khai thác và cải tiến các hệ thống quản lý sản xuất, bảo dưỡng hiện hữu theo định hướng thông minh và tích hợp; tự phát triển và xây dựng hàng loạt hệ thống như: hệ thống báo cáo quản trị trực quan (Visualization) công tác sản xuất, bảo dưỡng, thương mại, nhân sự, công việc theo thời gian thực (realtime); hệ thống khai báo và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên và nhà thầu, đối tác, khách hàng. Bên cạnh đó, các hệ thống khảo sát nội bộ, giải pháp bán và tiếp nhận hồ sơ thầu qua mạng; chuyển đổi cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu dự phòng, các giải pháp bảo mật lên điện toán đám mây để tối ưu chi phí và xây dựng hệ thống máy tính ảo để quản lý tập trung, phục vụ công tác làm việc mọi lúc, mọi nơi, tăng cường bảo mật dữ liệu công ty và linh hoạt trong công tác cấp, phát trang thiết bị cho người dùng cũng đã giúp BSR tỉnh giản, thuận tiện hơn trong công việc. Công tác CĐS đã giúp BSR đạt được các thành tựu cao trong quản lý như thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành sang hình thức chủ động. Trong đó, các cấp quản lý luôn có đầy đủ thông tin cần thiết dưới hình thức trực quan theo thời gian thực để chỉ đạo, ra quyết định nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, BSR còn chủ động thích ứng CĐS với việc sử dụng chữ ký điện tử, hoá đơn điện tử và phát triển các ứng dụng của BSR. Việc sử dụng chữ ký điện tử giúp các công việc cần có chữ ký được thực hiện nhanh chóng thông qua các ứng dụng có thể hoạt động trên các thiết bị di động thông minh và máy tính bảng…

Tại Liên doanh dầu khí Việt - Nga (VIETSOVPETRO), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VIETSOVPETRO lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu các giải pháp đột phá cần chú trọng thực hiện, trong đó, cần “Nghiên cứu ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin và CMCN 4.0 vào quản lý, điều hành và các hoạt động phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Để triển khai các hạng mục công việc liên quan CĐS một cách đồng bộ, hiệu quả, ngày 30/11/2021, VIETSOVPETRO đã ban hành quyết định số 1310/QĐSX-TTLL về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác CĐS số của VIETSOVPETRO. Sau kỳ họp, tháng 2/2022, Trung tâm Công nghệ thông tin và liên lạc (đơn vị được Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc VIETSOVPETRO giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính về CĐS) đã làm việc với các đối tác và đơn vị trong ngành dầu khí về công tác CĐS. Với tầm quan trọng, tính cấp bách của CĐS, ngày 27/4/2022, Đảng ủy VIETSOVPETRO đã ban hành Nghị quyết số 79-NQ/ĐU về thực hiện CĐS tại VIETSOVPETRO đến năm 2025, định hướng 2030. Tại Nghị quyết này, Đảng ủy đã đánh giá rõ tình hình, nguyên nhân, sự cần thiết phải tiếp cận, chủ động tham gia CMCN 4.0, trong đó xác định CĐS là xu thế tất yếu, khách quan, là chìa khóa để gia nhập cuộc CMCN 4.0.

Hà - Tùng

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)