Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (tiền thân là Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp) được thành lập năm 1961 theo Nghị định số 140-CP ngày 29/9/1961 của Hội đồng Chính phủ. Trong những ngày đầu mới thành lập, Viện đã tập hợp được một đội ngũ các cán bộ chủ chốt, những người được đào tạo trong thời kỳ trước cách mạng đi tham gia kháng chiến trở về cùng với lớp kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp; lâm sinh tổng hợp; công nghiệp rừng; kinh tế và chính sách lâm nghiệp. Cụ thể:
Về giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp
Viện đã làm chủ được các công nghệ chọn tạo giống hiện đại như: công nghệ đa bội thể, chuyển gen, chỉ thị phân tử và đạt được trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực. Tính đến nay, Viện đã có 243 giống mới được Bộ NN&PTNT công nhận. Các giống mới đều có năng suất cao, tăng trưởng trung bình 20-40 m3/ha/năm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Một số giống như BV10, AH7, AA9, UP35, UP54, Sa nhân tím xuất sứ Sơn Long - Phú yên đã được trao giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam”. 45 giống đã được sử dụng rất phổ biến trong thực tiễn sản xuất lâm nghiệp.
Trong những năm gần đây, nghiên cứu chọn giống các loài cây bản địa lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng đã từng bước được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 10 giống Thanh thất, Chiêu liêu nước và 1 giống Sa nhân tím do Viện nghiên cứu chọn tạo đã được công nhận là những giống mới. Một giống Xoan đào và 1 giống Sâm Lai Châu lần đầu tiên được bảo hộ giống. Với giống Mắc ca, Viện đã có 10 giống được công nhận, có năng suất hạt 14-22 kg hạt/cây ở tuổi 8-10. Những kết quả nghiên cứu này của Viện đã góp phần rất lớn vào phát triển ngành Mắc ca ở VN.
Từ các kết quả nghiên cứu, Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 68 TCVN về tiêu chuẩn cây giống, khảo nghiệm giống..., 40 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng các loài cây cũng đã được ban hành.
Về lâm sinh tổng hợp
Đối với rừng trồng, Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn cho nhóm các loài cây nhập nội mọc nhanh, cây gỗ lớn bản địa, các loài cây đa mục đích. Bên cạnh đó, nghiên cứu các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị cũng đã được Viện chú trọng thực hiện. Đây là cơ sở khoa học để xác định cơ cấu cây trồng rừng cho các vùng sinh thái trong cả nước. Hàng trăm các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng rừng và phòng trừ sâu bệnh đã được ban hành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật như: 10 tiến bộ kỹ thuật về quản lý lập địa, trồng rừng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn và trồng cây lâm sản ngoài gỗ; 4 tiến bộ kỹ thuật về sản xuất chế phẩm sinh học cải tạo đất rừng trồng keo, bạch đàn và phân hủy vật liệu cháy dưới tán rừng thông; 2 tiến bộ kỹ thuật về quản lý tổng hợp sâu bệnh hại rừng keo, thông…
Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 2 TCVN về yêu cầu lập địa trồng rừng các loài keo và bạch đàn; 2 TCVN về chuyển hóa gỗ nhỏ thành gỗ lớn keo và bạch đàn; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích: Quy trình phòng chống sâu đục ngọn gây hại cây Lát hoa; Chế phẩm sinh học phân hủy nhanh vật liệu cháy dưới tán rừng thông.
Đối với rừng tự nhiên, Viện đã nghiên cứu về phân loại rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu lâm học cho các hệ sinh thái rừng chính trên cơ sở theo dõi hệ thống các ô tiêu chuẩn định vị; nghiên cứu các giải pháp phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế cộng đồng ở các Khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cát Bà, Đồng Nai; nghiên cứu các giải pháp phục hồi và quản lý hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; nghiên cứu khả năng tích lũy các bon của các kiểu rừng tự nhiên làm tiền đề cho chi trả dịch vụ môi trường rừng trong những năm tới…
Về quản lý bảo vệ rừng và chống cháy rừng, Viện đã được Bộ NN&PTNT giao phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng và vận hành Hệ thống chống cháy rừng quốc gia (VFCS). Đến nay, hệ thống này đã được Tổ chức chống cháy rừng quốc tế PEFC công nhận và cấp chứng chỉ cho 120 nghìn ha của hơn 20 công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và hàng chục nghìn ha rừng keo cho các nhóm hộ gia đình, hợp tác xã...
Về công nghiệp rừng
Viện đã nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu cấu tạo và tính chất cho hơn 800 loài gỗ và tre nứa; nghiên cứu công nghệ sản xuất gỗ/tre ép khối; ván ép biến tính nhiều lớp kích thước lớn; biến tính ván mỏng từ gỗ rừng trồng. Sản xuất ván sàn, than hoạt tính từ gỗ Đước; ván ghép thanh, ván MDF từ gỗ Tràm; nghiên cứu tạo ván bio-composite không sử dụng keo dán; nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời sấy gỗ...
Bên cạnh đó, Viện đã nghiên cứu thành công nhiều loại thuốc bảo quản gỗ thân thiện với môi trường được đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như: LN5, XM5, WOPRO1, BORAG1, BORAG2, Sơn chống hà cho tàu thuyền gỗ đi biển; nghiên cứu xử lý bảo tồn mộc bản triều Nguyễn tại TP Đà Lạt; gỗ khảo cổ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Về kinh tế và chính sách lâm nghiệp
Viện đã nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành lâm nghiệp; nghiên cứu các chính sách giao đất, giao rừng, chính sách thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn, chính sách hưởng lợi rừng, quản lý rừng bền vững, bảo hiểm rừng trồng... Đặc biệt, Viện đã tham gia nghiên cứu định giá rừng làm cơ sở cho việc ban hành chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng; nghiên cứu phát triển Hệ thống iTwood để quản lý và truy xuất nguồn gốc gỗ, trong đó đã số hóa các quy định của pháp luật về quản lý chuỗi cung và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh rừng ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được. Đồng thời, Thứ trưởng cũng gợi mở với Viện một số định hướng trong thời gian tới như: tự chủ về mọi mặt, từ tài chính, tổ chức đến nhiệm vụ; cải thiện hơn nữa môi trường làm việc để thu hút nhân tài; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ nhiều hơn... Đặc biệt, những ứng dụng về giống, kỹ thuật lâm sinh... của Viện cần hướng đến thị trường, lấy người dân làm trung tâm.
CT