Thứ bảy, 24/09/2022 08:12

Giải pháp để phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức ngày 23/9/2022 tại Hà Nội. Với chủ đề: "Phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để Chính phủ nhìn nhận và đưa ra chiến lược nhằm thực hiện và vận hành tốt hơn thị trường KH&CN trong thời gian tới.

Thị trường KH&CN mới hình thành và đang từng bước phát triển

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, từ năm 2011 tới nay, bộ máy quản lý nhà nước về thị trường KH&CN đã được hình thành và từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các viện nghiên cứu, trường đại học đã tăng đáng kể. Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện. Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiêp cũng được Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và hiện đang hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh…

Tuy vậy, nhìn chung thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành và từng bước phát triển. Các tổ chức trung gian, môi giới và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN còn rời rạc, tự phát, chưa liên kết thành mạng lưới để hỗ trợ các dịch vụ trên thị trường. Sự liên thông giữa thị trường KH&CN trong nước với thị trường KH&CN thế giới cũng như với với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực (nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao) để tiếp nhập công nghệ mới, công nghệ cao.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phát triển KH&CN ở Việt Nam là tình trạng nhiều nhà khoa học chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa nên các kết quả nghiên cứu chưa được đưa vào thực tế ứng dụng nhiều. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ cho công tác quản lý KH&CN và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nhân lực KH&CN trình độ cao cho đất nước. Nhằm thúc đẩy việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã ban hành 4 chương trình ứng dụng và triển khai công nghệ: 1) Chương trình phát triển công nghệ với yêu cầu sản phẩm đầu ra là các sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng; 2) Dự án sản xuất thử nghiệm với đầu ra là quy trình công nghệ được thử nghiệm ở quy mô pilot (hợp tác với doanh nghiệp); 3) Chương trình phát triển sản phẩm thương mại với sản phẩm đầu ra là các sản phẩm được cấp phép bởi cơ quan quản lý và được thương mại hoá; 4) Các đề tài/dự án hợp tác với các bộ/ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề cấp bách do các bộ/ngành, địa phương đặt hàng. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng và đã đạt được một số kết quả ứng dụng nổi bật, có nhiều công nghệ đã sẵn sàng chuyển giao, nhưng Viện vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh của mình trong công tác ứng dụng và thương mại hóa tài sản trí tuệ vì còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, điển hình là:

Thứ nhất, khó khăn thách thức từ nhà khoa học: thực tiễn nhà khoa học chỉ có 2 lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, hai là tự mình khởi nghiệp. Đa số các nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao mà không chọn phương án tự mình khởi nghiệp do bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu, khám phá các vấn đề mới và không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.

Thứ hai, thách thức từ phía doanh nghiệp: các doanh nghiệp trong nước khi tìm kiếm công nghệ thường chỉ quan tâm đến công nghệ đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa vào sản xuất mà ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư kinh phí để các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nước giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp vì e ngại rủi ro và thiếu thông tin. Một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài…

Để các kết quả nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh chóng hơn vào thị trường và tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, GS Châu Văn Minh cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu như: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Sở hữu trí tuệ... Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư các nhiệm vụ KH&CN dài hạn để hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đến sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho rằng, chuyển giao công nghệ là vấn đề quan trọng trong nền kinh tế đang nổi lên như Việt Nam. Do đó, cần phải hiểu rõ, chuyển giao cái gì, chuyển giao cho ai, lợi ích gắn liền với việc chuyển giao như thế nào. Hiện nay, Samsung đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực quản trị, giúp các công ty nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu tỷ lệ lỗi, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận. Năm 2019, Samsung Việt Nam cũng đã ký bản ghi nhớ với Bộ Công Thương Việt Nam về chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Samsung đã đào tạo cho 200 người trong vòng 4 năm, đến nay đã có hơn 100 học viên hoàn thiện khóa học này, vậy nên Samsung sẽ tiếp tục ký kết bản ghi nhớ trong năm nay với Bộ Công Thương Việt Nam để có thể hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thị trường KH&CN ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan đến thị trường KH&CN và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường KH&CN phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh… Thủ tướng nhấn mạnh, Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: Phát triển mạnh thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ… Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật của thị trường nhưng có sự can thiệp và điều tiết của nhà nước khi cần thiết).

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không". Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Với chủ đề: "Phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập", Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá lại tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường KH&CN trong thời gian tới.

Bùi Kiều Liên

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)