Người con ưu tú vùng đất “Chín Rồng”
GS.VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Từ nhỏ, cậu bé Lễ đã rất hiếu học, có tư chất thông minh, nghị lực, ham học hỏi. Phạm Quang Lễ luôn đứng hạng ưu trong các kỳ thi của các trường, đứng đầu 2 kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Tây. Ngôi trường Trung học đệ nhị Petrus Ký nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 30 của thế kỷ trước là nơi cậu học sinh Phạm Quang Lễ theo học từ năm 1930 đến năm 1933. Ông luôn được thầy cô và bạn bè chú ý bởi sự thông minh và trí nhớ khác người. Năm 1935, ông được cấp học bổng du học ở Pháp. Tại đây, ông đã học, thi được 6 bằng đại học và chứng chỉ của các trường đại học danh tiếng. Khác với những người khác, lần du học của Phạm Quang Lễ có mục đích rõ ràng.
Cuộc gặp gỡ lịch sử
Cuộc gặp gỡ giữa ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris đã trở thành cuộc gặp gỡ “định mệnh” làm thay đổi cuộc sống của ông để ông theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước mang theo tâm nguyện phụng sự Tổ quốc. Trở về nước, năm 1946, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Phạm Quang Lễ đã được Bác Hồ giao làm Cục trưởng Cục Quân giới với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo ra vũ khí để bộ đội đánh giặc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì việc làm của Phạm Quang Lễ là việc đại nghĩa. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho ông là Trần Đại Nghĩa. Đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Quân giới trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ là một thử thách không nhỏ đối với Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, trí sáng tạo, ông đã nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vũ khí phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Thành công của ông cùng các đồng chí là đã chế tạo thành công súng và đạn bazooka, súng đại bác không giật (SKZ) - những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới thời điểm đó. Những loại vũ khí này đã tham gia hầu hết các trận đánh, duy trì cục diện chiến tranh nhân dân, tạo nên những kỳ tích mang màu sắc chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, huyền thoại về ông một lần nữa được viết tiếp khi ông trở thành người hỗ trợ về tinh thần cho những phát minh về quân giới cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của ông, chúng ta đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản như: ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại bom mìn...
Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội...
Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.
Với những cống hiến to lớn đối với nhân dân, với đất nước, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất năm 1952. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho Cụm công trình Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954.