Thứ hai, 12/09/2022 10:42

Quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp

Nguyễn Ngọc Hồng Dương

Trường Đại học Luật Hà Nội

Hoạt động thương mại quốc tế hiện nay đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, các quốc gia thông qua chính sách mở cửa thị trường khuyến khích hoạt động giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng được các quốc gia đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết. Đồng thời trong FTA, quyền sở hữu trí tuệ trở thành một phần đặc biệt được quan tâm như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… Nhờ sự phát triển của khoa học, công nghệ và hoạt động thương mại xuyên biên giới đã khiến việc sáng tạo tài sản trí tuệ ngày càng được mở rộng, giúp các doanh nghiệp mở rộng cơ hội phạm vi kinh doanh nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn trong việc quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ trong thời đại mới.

Lợi thế và khó khăn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp

Thương mại quốc tế là hoạt động thương mại đã xuất hiện lâu đời và trải qua từ thế kỷ XIX trước Công nguyên đến nay. Với sự phát triển của thương mại quốc tế, khái niệm “thương mại quốc tế” cũng dần phát triển. Khái niệm “thương mại quốc tế” đã dần được thay đổi bởi sự đa dạng về đối tượng trao đổi mua bán và sự phong phú về chủ thể. Trước hết, ở những ngày đầu sơ khai, đối tượng của thương mại quốc tế là hàng hoá hữu hình. Từ sau năm 1945 đến nay, khi có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các quốc gia cũng quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thương mại quốc tế, bên cạnh hàng hoá hữu hình thì các dịch vụ, hoạt động đầu tư và vấn đề sở hữu trí tuệ đã trở thành đối tượng của thương mại quốc tế. Thứ hai, chủ thể tham gia thương mại quốc tế cũng được mở rộng từ cá nhân thành các pháp nhân, tổ chức, thậm chí quốc gia cũng có thể trở thành một loại chủ thể đáng kể trong lĩnh vực này. Vì sự phong phú và đa dạng về chủ thể và đối tượng của thương mại quốc tế nên hiện nay chưa có khái niệm “thương mại quốc tế” được sử dụng thống nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác [1]. Và dựa theo cách tiếp cận của hoạt động “mua bán hàng hoá quốc tế” và “xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá” theo quy định tại Điều 27, 28 của Luật Thương mại năm 2005, “yếu tố quốc tế” được xác định khi hoạt động thương mại vượt ra khỏi lãnh thổ một quốc gia, yếu tố nước ngoài có thể xác định khi chủ thể tham gia ở các nước khác nhau và đối tượng hợp đồng có sự dịch chuyển qua biên giới.

Hoạt động thương mại quốc tế phát triển đang là xu thế chung của thế giới và hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp như mở rộng thị trường, phát triển danh tiếng của doanh nghiệp, nhất là khi trong trường hợp nếu như thị trường trong nước đã bão hoà. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về mặt kinh tế, pháp luật khi mở rộng thị trường. Vấn đề về bảo vệ tài sản trí tuệ hay quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể là thách thức do chi phí tốn kém và nhiều thủ tục hành chính. Nhất là doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế chưa thật sự chú trọng đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Những lợi ích của doanh nghiệp khi bảo vệ tài sản trí tuệ của mình trong hoạt động thương mại quốc tế có thể kể đến như sau:

Tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường: việc sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ giúp củng cố vị thế cạnh tranh trên một thị trường mới như thị trường nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ các tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp mình đang nắm giữ, hiểu được những đặc tính sáng tạo của sáng chế của mình, kiểm soát được tình trạng sử dụng nhãn hiệu của mình tại một quốc gia từ đó có thể giúp cho các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm được hiệu quả. Trong trường hợp doanh nghiệp tham dự các hội chợ triển lãm, mở rộng chiến dịch quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp không cần lo ngại các hành vi xâm phạm quyền hoặc trở thành cơ hội cho đối thủ sao chép hay bắt chước.

Tránh các hành vi xâm phạm quyền có thể xảy ra: việc có một sản phẩm mới phát triển tại thị trường nước ngoài mà có lợi thế cạnh tranh thì việc bị các đối thủ khác sao chép hoặc làm hàng giả, hàng nhái là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch bảo vệ tài sản trí tuệ của mình sớm và bài bản sẽ hạn chế được các hành vi xâm phạm, thậm chí ngay cả khi có hành vi xâm phạm xảy ra thì doanh nghiệp cũng có căn cứ để xử lý hành vi xâm phạm. Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia đều thường mất một khoảng thời gian để thẩm định đơn đăng ký, như Việt Nam hiện nay kéo dài từ 18-24 tháng, với sáng chế là 36-40 tháng, kiểu dáng công nghiệp khoảng 12 tháng và có thể lâu hơn do tình trạng quá tải đơn. Nên việc đăng ký sớm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho chủ sở hữu sẽ sớm có đủ căn cứ pháp lý để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong các vấn đề liên quan đến việc quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ nhất, chưa xác định các loại tài sản trí tuệ đang nắm giữ và về cơ chế bảo vệ. Các doanh nghiệp dù tiến hành kinh doanh trong nước hay ngoài nước đều cần nắm rõ các tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp đang nắm giữ và cơ chế bảo hộ đối với các tài sản này. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới ghi nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, sở hữu công nghiệp, giống cây trồng và mỗi đối tượng sẽ có cơ chế bảo hộ khác nhau như bảo hộ tự động, bảo hộ thông qua việc đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc bảo hộ thông qua quá trình sử dụng. Đối với các tài sản trí tuệ mà pháp luật hiện hành chưa bảo hộ thì các doanh nghiệp cần có cơ chế bảo vệ riêng, đặc biệt với các hợp đồng thương mại quốc tế thì cần những điều khoản bảo mật.

Ví dụ như trong hợp đồng li-xăng, doanh nghiệp cho phép một doanh nghiệp nước ngoài được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình trong một giới hạn thời gian và khu vực địa lý nhất định để đổi lại một khoản phí trọn gói hoặc định kỳ. Hợp đồng li-xăng thường liên quan tới các thoả thuận chuyển giao công nghệ, cho phép sản xuất kinh doanh hoặc phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều doanh nghiệp nhận hợp đồng li-xăng hay bỏ qua đó là phải đảm bảo đối tượng sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ tại nước sở tại vì về nguyên tắc, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sẽ phát sinh khi đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ. Do vậy, hợp đồng li-xăng sẽ có hiệu lực khi thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn hiệu lực. Trong trường hợp đối tượng sở hữu công nghiệp đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc đã hết hạn bảo hộ mà chưa được gia hạn, hợp đồng phải quy định rõ về quyền cũng như trách nhiệm các bên trong việc duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp và hiệu lực hợp đồng.

Thứ hai, không tìm hiểu về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia và quốc tế. Một sai lầm phổ biến mà nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn đang gặp phải đó là cho rằng, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước họ đồng nghĩa với việc quyền sở hữu trí tuệ của họ sẽ được bảo hộ trên phạm vi toàn thế giới, đến khi tiến hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và gặp các hành vi xâm phạm, yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý mới nhận ra nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp của mình chưa được đăng ký quốc tế. Ở đây, một tính chất của quyền sở hữu trí tuệ đó là tính lãnh thổ, nghĩa là văn bằng bảo hộ do cơ quan sở hữu trí tuệ của một quốc gia cấp chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia đó. Hơn nữa, pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia trên thế giới mặc dù có những điểm tương đồng, nhất là các quốc gia là thành viên của Hiệp định TRIPs nhưng về thủ tục đăng ký và cơ chế bảo hộ cũng có thể sẽ áp dụng những nguyên tắc khác nhau. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, bằng độc quyền sáng chế được cấp theo nguyên tắc “cấp độc quyền cho người đầu tiên tạo ra sáng chế” trong khi hầu hết các nước khác cấp bằng độc quyền sáng chế theo nguyên tắc “cấp độc quyền cho người đầu tiên nộp đơn”. Hoặc trong đăng ký nhãn hiệu, bên cạnh nguyên tắc "cấp cho người nộp đơn đầu tiên” như các nước khác, Hoa Kỳ còn ghi nhận nguyên tắc “cấp cho người đầu tiên sử dụng”.

Thứ ba, vấn đề nhập khẩu song song trong thương mại quốc tế. Hiện tượng rất phổ biến hiện nay trên thị trường đó là hàng hoá “order” mà mọi người thường gặp, ở đây các nhà bán lẻ không thông qua hợp đồng phân phối với nhà sản xuất mà mua trực tiếp ở các kênh bán lẻ hợp pháp của nhà sản xuất ở nước sở tại như kênh thương mại điện tử hoặc cửa hàng bán lẻ trong mùa có ưu đãi về giá và sau đó nhập khẩu song song ở nước khác. Khi đã được nhập khẩu, hàng hoá “order” này vì được mua với giá ưu đãi sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hoá của các nhà phân phối thông qua hợp đồng phân phối với nhà sản xuất. Điều này khiến các doanh nhiệp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể vì luôn phải chịu áp lực cạnh tranh và không thể dùng con đường sở hữu trí tuệ để giải quyết. Còn với nhà xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng khi bán hàng cho nhà nhập khẩu là sẽ mất quyền đối với tài sản trí tuệ đó tại thị trường nước ngoài, nếu nhà nhập khẩu có tiếp tục xuất khẩu sang một quốc gia thứ ba thì nhà xuất khẩu cũng không thể can thiệp được.

Đề xuất giải pháp

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, kiểm tra tình trạng đăng ký và sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp tại quốc gia có kế hoạch mở rộng thị trường. Việc tra cứu một cách kỹ lưỡng tình trạng đăng ký và sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp nhằm mục đích để kiểm tra xem nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế của mình đã được đăng ký chưa và tránh trường hợp mình trở thành người có hành vi xâm phạm. Hiện nay tại hầu hết các quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về tình trạng đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đều được công khai, hay WIPO cũng cung cấp công cụ để tra cứu về tình trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của các nước trên thế giới bằng tiếng Anh (ví dụ như trang Global Brand Database)… nên công việc này không còn được coi là khó khăn. Bên cạnh việc tra cứu về tình trạng đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần kiểm tra về tình trạng sử dụng thực tế của các đối tượng sở hữu trí tuệ. Chúng ta biết rằng, ngoài những đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ qua cơ chế đăng ký với cơ quan nhà nước thì cũng còn những tài sản trí tuệ khác được bảo hộ trên cơ sở sử dụng như tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng...

Việc tra cứu như thực tiễn sử dụng sẽ hạn chế được những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai. Đặc biệt với các công ty đa quốc gia, những vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng cũng như vị thế trên thị trường. Kể cả khi có các công ty đa quốc gia này có đủ khả năng chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tài sản trí tuệ, nhưng việc vướng vào những vụ tranh chấp cũng là điều mà doanh nghiệp muốn tránh khi mở rộng thị trường hoặc ra mắt sản phẩm mới. Và với thời đại công nghệ 4.0 và sự phát triển của thương mại điện tử thì doanh nghiệp không cần thiết phải trực tiếp đi điều tra thị trường mà hoàn toàn có thể tìm hiểu qua internet hoặc liên hệ với một đại diện pháp lý để điểu tra.

Hai là, lựa chọn cơ chế đăng ký xác lập quyền phù hợp. Khi tiến hành đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tại quốc gia khác, doanh nghiệp có thể lựa chọn con đường đăng ký tại từng quốc gia hoặc thông qua hệ thống đăng ký quốc tế. Đăng ký theo con đường quốc gia là việc doanh nghiệp sẽ tự mình hoặc thông qua đại diện sở hữu trí tuệ ở nước sở tại tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan sở hữu trí tuệ tại quốc gia đó. Điều này phù hợp với những tập đoàn lớn là chủ sở hữu của nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp thì cần có những đại diện sở hữu công nghiệp ở từng quốc gia để quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, cách thức này cũng khá tốn kém và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tài chính cho việc này.

Thay vào đó, việc các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu thông qua con đường quốc tế như hệ thống PCT, Madrid và Thoả ước Lahay sẽ là lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống nộp đơn và đăng ký do WIPO quản lý hiện nay cũng đơn giản hoá thủ tục đăng ký tại nhiều quốc gia. Với các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành hoạt động thương mại quốc tế ở nước ngoài thì việc đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp trên sẽ rất đơn giản vì Việt Nam đã là thành viên của các Thoả ước, Hiệp ước trên nên sẽ không phải sang nước ngoài hay thuê luật sư nước ngoài để đăng ký nữa mà có thể đăng ký tại Việt Nam.

Ba là, xây dựng điều khoản về tài sản trí tuệ trong hợp đồng thương mại quốc tế. Việc ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế đem lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội phát triển và mở rộng thị trường nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi phải tiết lộ hoặc trao quyền sử dụng tài sản trí tuệ của mình cho một chủ thể khác. Do vậy, việc đưa ra những quy định riêng về tài sản trí tuệ như trách nhiệm bảo vệ tài sản trí tuệ, trách nhiệm bảo mật, quy định chống bộc lộ trước và sau khi kết thúc hợp đồng, phạm vi chuyển quyền sử dụng… cũng như về điều khoản phạt vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp cần được lưu ý và quy định đặc biệt. Điều này sẽ hạn chế những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp, nhất là khi hợp tác với một đối tác nước ngoài mà mình chưa hiểu rõ.

Bốn là, có kế hoạch quản lý tài sản trí tuệ trong nội bộ doanh nghiệp. Sau khi đăng ký quyền sở hữu công nghiệp thành công và đưa vào thị trường, doanh nghiệp cũng cần có biện pháp quản lý và bảo hộ đối tượng đó, nhất là đối với các đối tượng được đăng ký và sử dụng ở nước ngoài. Nếu như đã đăng ký quyền sở hữu công nghiệp thành công nhưng chủ sở hữu không có điều kiện để trực tiếp quản lý tài sản trí tuệ của mình, chủ sở hữu nên uỷ quyền cho đối tác hoặc đại diện sở hữu công nghiệp để hỗ trợ duy trì/gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ trong suốt thời gian kinh doanh và điều tra, xử lý kịp thời nếu như trên thị trường xuất hiện hành vi xâm phạm. Đối với các tài sản trí tuệ khác, doanh nghiệp là chủ sở hữu cũng cần nắm rõ từng loại tài sản trí tuệ và đưa ra biện pháp bảo vệ trong quy chế nội bộ doanh nghiệp.

Cuối cùng, chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp bằng các biện pháp công nghệ. Khi tiến hành điều tra xác định hành vi xâm phạm, doanh nghiệp chủ yếu thông qua luật sư đại diện hoặc cơ quan quản lý thị trường làm việc. Việc điều tra thường được tiến hành thủ công qua các công cụ tìm kiếm trên Internet hoặc khảo sát thị trường trực tiếp. Hoạt động này thường có ưu điểm là xác định chính xác chủ thể xâm phạm và có biện pháp xử lý cụ thể nhưng hạn chế là mất nhiều thời gian và khó xử lý tất cả các trường hợp xâm phạm. Do vậy các doanh nghiệp cần nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp công nghệ song song với các biện pháp truyền thống để nâng cao hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, cụ thể: i) công nghệ QR code (mã phản hồi nhanh) giúp quét mã và chuyển tín hiệu đến trang web chứa thông tin sản phẩm, từ đó tra cứu được nội dung nhà cung cấp đưa ra về sản phẩm; ii) công nghệ SMS hỗ trợ sử dụng một mã số xác thực (mã an ninh, Serial…), ẩn dưới lớp tráng bạc. Để sử dụng thì người tiêu dùng chỉ cần cào nhẹ lớp phủ để thấy được thông tin về mã số, sau đó nhắn tin SMS đến tổng đài xác thực; iii) sản phẩm gắn chíp Jeptags sẽ được xác định bởi dãy các mã định danh duy nhất kết nối với Satellite (Vệ tinh GPS). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi dễ dàng hơn thông qua chuỗi cung ứng và đồng thời xác minh được tính xác thực, đảm bảo chất lượng, giữ an toàn cho hàng hóa, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Đây được coi là công nghệ hiệu quả để chống hàng giả, được nhiều thương hiệu lớn trên thế giới sử dụng: thương hiệu Burberry sử dụng từ năm 2012, tượng vàng được trao tại giải thưởng Quả cầu vàng cho điện ảnh…

Có thể khẳng định, việc quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp khi tham gia vào các giao dịch thương mại quốc tế mà còn tránh những tranh chấp, kiện tụng có thể xảy ra trong lĩnh vực này. Từ đó, nâng cao vị thế, trách nhiệm bảo vệ tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)