Thứ tư, 21/09/2022 08:50

Kháng kháng sinh: Cơ hội và thách thức

Ngày 20/9/2022 tại Hà Nội, Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kháng kháng sinh: cơ hội và thách thức”. Trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về kháng kháng sinh, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng quản lý việc sử dụng kháng sinh trong y tế. Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội…

Toàn cảnh Hội thảo (ảnh: Bộ Y tế).

Thuốc kháng sinh là vũ khí tuyệt vời do con người tạo ra để chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn, nhưng giờ đây vi khuẩn đang phát triển nhiều khả năng để kháng lại thuốc kháng sinh vốn được dùng để tiêu diệt chúng. Hiện tượng này xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng chống lại thuốc kháng sinh khiến kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng. Vi khuẩn có thể kháng thuốc kháng sinh tự nhiên hoặc nhờ đột biến gen hay tiếp nhận gen kháng thuốc từ các loài vi khuẩn khác.

Hiện nay, ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 và nhóm aminosid và fluoroquinolon. Tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, người bệnh còn phải đối mặt với khả năng tương lai sẽ không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả một số bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt trong phẫu thuật, hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.

Nhằm kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế tham gia hành động can thiệp vào quá trình kháng thuốc, từ năm 2013, Bộ Y tế đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai Chương trình hành động quốc gia về kháng kháng sinh. Chương trình đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế về vấn đề kháng thuốc; hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia, bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh, trong đó tập trung vào: 1) Tăng cường công tác giám sát và quản lý thuốc trên thị trường; 2) Chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học thuộc hệ thống Y, Dược; 3) Nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh.

Bắc Lê

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)