Thứ sáu, 04/07/2025 15:07

Triển khai Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ngay từ tháng 07/2025, một số nội dung về cơ chế tài chính của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã bắt đầu có hiệu lực. Vì vậy, ngày 03/07/2025, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn nội dung về tài chính theo Luật này. Hội nghị được tổ chức kịp thời nhằm giúp các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN nắm bắt, triển khai và áp dụng thống nhất, hiệu quả các quy định mới của Luật.

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn phát biểu tại Hội nghị (nguồn: VNU Media).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn khẳng định, việc triển khai hiệu quả Luật KH,CN&ĐMST không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là bước đi tất yếu để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hệ thống đại học. Với vai trò là một trong hai đại học quốc gia, ĐHQGHN cần tiên phong trong việc thể chế hóa các quy định mới, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng, hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động nghiên cứu - chuyển giao tại Việt Nam. Luật KH,CN&ĐMST là bước tiến mới trong tư duy và chính sách quản lý khoa học và công nghệ. Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 27/06/2025 với nhiều nội dung cải cách, trong đó nổi bật là việc đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tăng cường quản trị theo hiệu quả đầu ra, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và hợp tác công - tư trong đổi mới sáng tạo.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn chia sẻ, Luật KH,CN&ĐMST sẽ mở ra cơ hội lớn để ĐHQGHN đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và các sản phẩm có tính thực tiễn cao, góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để làm được điều đó, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và các đơn vị tài chính - kế hoạch.

Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN Trần Thị Thanh Tú đã trình bày nội dung chính của Luật KH,CN&ĐMST và các điểm mới trong cơ chế tài chính áp dụng cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, Luật hướng đến việc đơn giản hóa các thủ tục tài chính, mở rộng phạm vi được khoán chi, nâng mức tự chủ trong phân bổ và sử dụng kinh phí nghiên cứu, đồng thời siết chặt các tiêu chí về kết quả đầu ra và hiệu quả sử dụng ngân sách nhằm triển khai thống nhất, hướng đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trong toàn ĐHQGHN. Một trong những điểm nổi bật là quy định mới về quản lý và khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN. Luật cho phép các tổ chức nghiên cứu công lập có thể hợp tác đầu tư, góp vốn với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đây là tín hiệu tích cực để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các mô hình đại học đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp.

Về các điểm mới trong cơ chế tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, Phó Trưởng Ban Tài chính và Đầu tư ĐHQGHN Nguyễn Thị Oanh cho biết, một trong những điểm đột phá là việc mở rộng khoán chi theo sản phẩm đầu ra, thay cho phương pháp kiểm soát chi tiết từng danh mục chi như trước đây. Điều này giúp các nhóm nghiên cứu chủ động hơn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nâng cao tính trách nhiệm và hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước. Luật cũng quy định cụ thể hơn về phân cấp trách nhiệm trong phê duyệt, điều chỉnh dự toán, tạm ứng và quyết toán kinh phí, giúp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian.

Tại Hội nghị, đại diện Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN đã công bố kế hoạch triển khai Luật KH,CN&ĐMST tại ĐHQGHN trong thời gian tới: Xây dựng hướng dẫn chi tiết theo từng nhóm đối tượng, tổ chức đối thoại chuyên đề với các nhóm nghiên cứu, mở kênh tiếp nhận phản hồi để tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định chưa phù hợp.

VH

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)