Thứ bảy, 20/08/2022 15:31

Hệ thống TBT cần có giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho hàng Việt

Đây là phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Nguyễn Hoàng Linh tại cuộc họp triển khai công tác về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) năm 2022 với các điểm TBT cấp bộ diễn ra ngày 19/8/2022.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi, cùng sự định hình và phát triển xu hướng thương mại, đầu tư mới, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Dự báo trong thời gian tới, tình hình trong nước sẽ có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen. Với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tích cực trong bối cảnh bình thường mới. Đặc biệt, hiện nay, hàng rào thương mại các nước dựng lên tương đối nhiều, Việt Nam cũng nhận rất nhiều cảnh báo của các nước. Cụ thể đối với nhóm sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, vấn đề đặt ra là hệ thống TBT cần có những giải pháp mới, cách thức mới để giúp phòng hộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng sản phẩm hàng hóa trong nước.

Tại cuộc họp, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam Cao Xuân Quân đã báo cáo hoạt động TBT và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023. Theo đó, trong năm 2021 đã có 3.966 Thông báo của các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng 18% so với 2020, từ 2015-2019 tăng 14%/năm. Các thành viên thông báo nhiều biện pháp TBT nhất 2021 là Uganda, Brazil, Hoa Kỳ, Kenya, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU); các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của biện pháp được thông báo là máy móc, thiết bị cơ khí, sản phẩm sữa, trứng, mật ong, thực phẩm, các sản phẩm ăn được có nguồn gốc từ động vật, rau củ quả, dầu ăn, nước hoa, mỹ phẩm giấy vệ sinh, thiết bị máy móc và điện tử, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, dệt may, đồ uống, nhựa, phương tiện giao thông… Đặc biệt, trong năm 2021 có hơn 70 thông báo liên quan tới Covid-19 của các thành viên. Các biện pháp chủ yếu liên quan tới việc hợp lý hóa thủ tục chứng nhận hoặc các yêu cầu về pháp lý đối với hàng hóa y tế được thông quan do đại dịch.

Về thông báo TBT của Việt Nam, trong 2021, Việt Nam thông báo 35/240 biện pháp TBT, trong đó có 30 thông báo thường và 5 thông báo sửa đổi, bổ sung. Con số trên tăng 17% so với 2020 và là năm có số lượng thông báo cao nhất kể từ khi gia nhập WTO cho tới nay. Chủ yếu các biện pháp được thông báo liên quan tới sản phẩm công nghiệp: vật liệu nổ, thiết bị viễn thông, phương tiện giao thông, dược phẩm, giống cây trồng nhập khẩu và thực phẩm…

Về phương hướng hoạt động TBT 6 tháng cuối năm 2022 và phương hướng hoạt động TBT năm 2023, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam Cao Xuân Quân đưa ra 6 điểm: 1) Điểm TBT cấp bộ chủ động khắc phục các tồn tại trong việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá về TBT mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ WTO và FTAs; 2) Điểm TBT cấp bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng TBT Việt Nam và cung cấp thông tin kịp thời đối với các quan ngại thương mại về TBT tại các phiên họp Uỷ ban TBT; 3) Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các điểm TBT của các mạng lưới TBT; 4) Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin biện pháp TBT tại các thị trường trọng điểm; 5) Đề xuất đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định TBT của WTO và cam kết TBT trong khuôn khổ các FTAs”.

Cũng tại cuộc họp, Điểm TBT các bộ đã có những ý kiến, nội dung trao đổi về công tác TBT năm 2022 và khó khăn, vướng mắc cũng như các đề xuất trong thời gian tới. Phía Tổng cục TĐC đề nghị Văn phòng TBT Việt Nam tiếp tục tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ TBT cho các Điểm TBT trong thời gian tới, có thể hướng dẫn với từng Điểm (cả các đơn vị trực thuộc bộ) để nắm được tầm quan trọng và các nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện minh bạch hóa về TBT.

Hà My

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)