Đánh giá Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam và khu vực, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ấn tượng với tỷ lệ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học của Trường đạt 70%, cao hơn gấp 2 lần con số trung bình cả nước (30%). Bộ trưởng đánh giá, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tư duy rất đổi mới, phù hợp với xu thế hiện nay của khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện bằng kết quả nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển mô hình liên kết trường - viện - doanh nghiệp, hình thành doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn)... của Trường đạt mức cao.
Đoàn công tác Bộ KH&CN tham quan Phòng thí nghiệm Nhà máy số của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Duy Thành).
Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng cho biết, năm 2022, lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với 5 nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; và Khoa học Vật liệu được xếp thứ hạng đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới (theo bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới Quacquarelli Symonds). Số bài báo được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science và Scopus đạt 735 bài, tăng khoảng 1,52 lần so với năm 2016. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích được chấp nhận là 31, trong đó đã được cấp là 11, tăng 37,5% với năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng được duy trì như vậy, đến năm 2030, số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích dự kiến tăng gấp 3 lần kết quả của năm 2020.
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra 4 đề xuất với Bộ KH&CN về các cơ chế tạo động lực thúc đẩy cho các cụm nhiệm vụ KH&CN: 1) Giao thí điểm cho các trường đại học khối kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam chủ trì các cụm nhiệm vụ nghiên cứu thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo chuỗi giá trị và nhu cầu kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn đến năm 2030, đặc biệt trong các lĩnh vực về Vi mạch trí tuệ nhân tạo, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Thiết bị và hệ thống thông minh, Vật liệu tiên tiến cho phát triển bền vững…; 2) Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn sử dụng chung trong Câu lạc bộ KH&CN các trường kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm thúc đẩy và phát triển mô hình đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp làm trung tâm; 3) Thí điểm chính sách thành lập và phát triển được các spin-off và start-up trên cơ sở thương mại hóa tài sản trí tuệ hình thành trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và hợp tác; 4) Nghiên cứu phương án khu ươm tạo công nghệ, Lab nghiên cứu gắn với đào tạo trình độ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc để phối hợp cùng Sở KH&CN Hà Nội.
Xuân Bình