Sở hữu trí tuệ (SHTT) góp phần phát triển kinh tế
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, TSTT đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của mỗi địa phương. Thực tế cho thấy, khi hàng hóa, nông sản có chỉ dẫn địa lý, được cấp văn bằng bảo hộ..., giá trị sẽ cao lên gấp 2-3 lần so với trước đó.
Trong những năm gần đây, thông qua việc tăng cường bảo hộ quyền SHTT cũng như xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có thêm nhiều nhãn hiệu tập thể được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý như: Nhãn xuồng cơm vàng Bà Rịa - Vũng Tàu, Mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu, hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu, Muối Bà Rịa... và nhiều nhãn hiệu tập thể như: Thanh long Bông Trang, Bưởi da xanh Sông xoài, Quýt đường Xuyên Mộc, Chả cá Phước Hải, Bánh hỏi An Nhứt, Mắm ruốc Bà Rịa - Vũng Tàu, Bánh canh Long Hương, Bánh tét bắp Đất Đỏ, mắm bằm Hòa Long, Rượu Hòa Long, Sò ốc mỹ nghệ Vũng Tàu... Từ khi có chỉ dẫn địa lý, được cấp văn bằng bảo hộ, các sản phẩm đặc sản của địa phương đã tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó mở rộng vùng sản xuất, giúp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng công nghiệp như: hồ tiêu tại Châu Đức và Xuyên Mộc; cây ăn quả đặc sản tại Châu Đức, Xuyên Mộc, Phú Mỹ và Đất Đỏ... Nhờ đó, kinh tế của người dân nói riêng cũng như các địa phương nói chung ngày càng được nâng cao và phát triển bền vững.
Các hoạt động khác liên quan tới SHTT cũng được chú trọng. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm 2021, 33 tổ chức, cá nhân đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Con số này sau 6 tháng đầu năm 2022 là 14 tổ chức, cá nhân.
Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
Với mong muốn đáp ứng kịp thời yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hướng dẫn xác lập quyền các đối tượng SHTT; nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển TSTT; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật SHTT trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy hoạt động SHTT của các tổ chức, cá nhân...; tiếp tục hỗ trợ đăng ký, quản lý và phát triển TSTT, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh..., Chương trình phát triển TSTT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được UBND tỉnh ban hành.
Các sản phẩm của huyện Châu Đức tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022 (nguồn: internet).
Theo đó, tỉnh phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 có 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo cơ bản về SHTT; có ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 30 sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Đến năm 2030, trung bình mỗi năm có 5 đơn sáng chế, 20 đơn kiểu dáng công nghiệp, 200 đơn nhãn hiệu và 1-3 đơn giống cây trồng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có ít nhất 15 sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và 50 sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.
Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 6 nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường các hoạt động tạo ra TSTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT như: hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin SHTT cho các tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra các TSTT được bảo hộ và bài báo khoa học có tính ứng dụng cao; triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về SHTT phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Hai là, thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở trong và ngoài nước, bao gồm: đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu); đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh…
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển TSTT: nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các TSTT. Quản trị TSTT cho doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ…
Bốn là, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT: tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành nhằm xử lý các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT; hỗ trợ triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT; tổ chức trưng bày, giới thiệu, triển lãm sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT cùng với các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.
Năm là, phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT.
Sáu là, hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời vinh danh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình có TSTT, thành quả lao động sáng tạo được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội.
Để thực hiện Chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Kim Liên - Hải Yến