Thứ sáu, 29/07/2022 08:54

Ninh Bình: Hiệu quả mô hình trồng khoai môn lấy ngó

ThS Nguyễn Thị Minh Trâm

Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình

Với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế của huyện Yên Mô, xã Khánh Thịnh, tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình phê duyệt thực hiện đề tài: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình trồng khoai môn lấy ngó trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Kết quả là, lợi nhuận mà mô hình thu được đạt 29-48 triệu đồng/0,2 ha, cao hơn so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân.

Tiềm năng từ cây khoai môn lấy ngó

Cây khoai môn lấy ngó là giống cây trồng mới, có nguồn gốc từ Thái Lan, thân lá cao to, có đặc điểm hoàn toàn giống khoai của nước ta. Tuy nhiên, cây có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh hơn, cho năng suất ngó và chất lượng rau ngon hơn. Để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao nên trồng vào tháng 7 dương lịch hàng năm. Đây là thời điểm mà cây con có điều kiện bật mầm, phát triển thân lá. Đến mùa xuân cây có sinh khối lớn và cho khai thác ngó cao.

Quá trình trồng cây khoai môn lấy ngó thuận lợi, không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc. Đặc biệt, cây có khả năng chịu sâu bệnh tốt, sau khi trồng từ 3 tháng, cây đã cho thu hoạch ngó, thời gian thu hoạch kéo dài từ 7-8 tháng/năm. Ngoài ra, ngó có đặc điểm giòn, ngọt, không ngứa; ngó khoai chứa nhiều vi chất dinh dưỡng, tính mát, giàu chất sơ và nước, tốt cho sức khỏe, phù hợp để chế biến những món ăn ngon, bổ dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình như: ngó xào tỏi, nấu canh chua, ngó nấu ốc, ngó làm dưa chua…

Xây dựng thành công mô hình trồng khoai môn lấy ngó

Nhận thấy, đây là giống cây trồng mới nhưng dễ thâm canh, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị kinh tế của huyện Yên Mô. Vì vậy, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình đã tiến hành thực hiện mô hình trồng khoai môn lấy ngó trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với mục tiêu xây dựng thành công mô hình trồng thử nghiệm 0,2 ha khoai môn lấy ngó trên địa bàn xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, từ đó tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Qua quá trình triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy, cây khoai lấy ngó thích hợp với đất thịt nhẹ, giàu mùn, tầng canh tác dày; đất trồng khoai là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây giai đoạn thu hoạch ngó, vì vậy đất trồng cần được chuẩn bị trước ít nhất một tháng, cần làm sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng vụ trước, tiến hành lên luống có chiều cao 30 cm, rộng 1 m, hàng cách hàng 40-50 cm. Cây được trồng với khoảng cách cây cách cây 40-45 cm. Sau khi lên luống, cần xử lý đất bằng vôi bột rải lên mặt luống để diệt, phòng trừ sâu bệnh hại, việc này được tiến hành trước trồng ít nhất từ 20-30 ngày. Trong suốt quá trình trồng cần duy trì mực nước rãnh đạt 2/3 chiều cao mặt luống, đặc biệt là giai đoạn thời tiết hanh khô cần duy trì mực nước để khoai có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu gặp trời mưa lớn thì tiến hành tháo nước cho ruộng, tránh để ngập úng làm giảm năng suất ngó. Bên cạnh đó, định kỳ hằng tuần, nhóm nghiên cứu xuống kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng cũng như tình hình sâu bệnh hại cây nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sinh trưởng, phát triển của cây.

Nhóm nghiên cứu hướng dẫn người dân chăm sóc và thu hoạch ngó khoai

Với định hướng tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, cây khoai môn trồng tại mô hình hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng và phân bón hóa học. Quá trình chăm sóc cây, sử dụng phân chuồng hoại mục để bón thúc, kết hợp định kỳ 2 tháng/lần bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh cho ruộng khoai với định lượng 20 kg/100 m2. Thực hiện làm cỏ định kỳ cho ruộng khoai 1 lần/tháng bằng phương pháp thủ công, cỏ được vùi sâu làm phân xanh cho cây. Cây khoai môn lấy ngó ít bị sâu bệnh hại (thường gặp sâu khoang ăn lá và bệnh sương mai), khi cây bị bệnh sương mai, cần tiến hành cắt bỏ tàu lá bị bệnh, đem tiêu hủy xa nơi ruộng trồng, với sâu khoang ăn lá, cần tiến hành bắt bằng tay hoặc có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học, đảm bảo an toàn cho ruộng trồng, người chăm sóc cũng như người tiêu dùng.

Sản phẩm ngó khoai của xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô sau khi thu hoạch được sơ chế, đóng gói cung cấp cho thị trường

Sau thời gian triển khai mô hình, cây khoai môn trồng được 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch ngó, ngó khoai được thu hoạch 3 ngày/lần, thời gian khoai cho thu hoạch ngó liên tục từ 7-8 tháng/năm. Năng suất ngó đạt khoảng 7-8 tạ/sào/năm, sản lượng triển khai của mô hình ước đạt 19 tấn/ha.năm. Với giá bán trên thị trường hiện nay dao động 30.000-35.000 đồng/kg (sản phẩm thô sau thu hoạch, chưa làm sạch), lợi nhuận mô hình thu được 145-240 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Hiệu quả của mô hình đã minh chứng cho khát vọng vươn lên của người dân và những đổi mới của Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình đối với nông nghiệp trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập sâu rộng với thế giới. Thành công của mô hình cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nông và thúc đẩy bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn. Trong thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn xã Khánh Thịnh và huyện Yên Mô để hướng đến phát triển cánh đồng chuyên canh trồng khoai môn lấy ngó theo hướng hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Yên Mô.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)