Thứ sáu, 29/07/2022 16:48

Cục Sở hữu trí tuệ: 40 năm xây dựng và phát triển (Kỳ 3 - Đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng)

Chính thức mang tên mới từ năm 2003, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) bước sang một chương phát triển mới: từng bước đồng bộ hóa và hội nhập quốc tế các hoạt động bảo hộ SHTT. Kể từ đây, Cục không những được vận hành một cách đầy đủ theo đúng phạm vi hoạt động của ngành mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Đồng bộ và hoàn thiện bộ máy tổ chức

Từ năm 2003, Cục Sở hữu công nghiệp chính thức được đổi tên thành Cục SHTT, theo Nghị định số 54/2003/NĐ-CP và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 54/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Dấu mốc này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với vấn đề bảo hộ SHTT trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với tên gọi mới, phạm vi hoạt động của Cục không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các quy định của Pháp lệnh SHCN mà còn đảm trách việc phát triển hệ thống quản lý về SHTT, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), góp phần hội nhập và hài hòa các quy định về quyền SHTT giữa thế giới và trong nước. Từ đây, Cục có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thống nhất quản lý nhà nước về SHTT với vai trò là một cơ quan SHTT quốc gia.

Với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính để đưa công tác đăng ký đơn trở thành một quy trình “gần gũi”, thuận tiện với người dân và doanh nghiệp, Cục đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải tiến các thủ tục hành chính trong các khâu tiếp nhận đơn, xử lý đơn... Đáng chú ý, ngay trong năm 2004 và 2005, Cục đã khai trương 2 Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Như vậy, lần đầu tiên ở Việt Nam, công tác tư vấn, hỗ trợ và tiếp nhận đơn đăng ký SHCN có thể được tiến hành đồng thời tại cả 3 miền. Đơn đăng ký SHCN được ghi nhận và cấp số đơn đồng thời, thống nhất trong phạm vi toàn quốc thông qua mạng trực tuyến.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT

Sự bùng nổ của thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế làm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Chất “xúc tác” này một mặt khiến các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ nhằm đem lại những tính năng mới và hạ giá thành sản phẩm, mặt khác lại khiến cho nhiều doanh nghiệp đi theo “đường tắt”, đó là xâm phạm bản quyền và vi phạm quyền SHTT. So với những giai đoạn trước, tình trạng này ngày càng mở rộng về quy mô và phức tạp về hình thức. Một trong những hệ lụy của nó là khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức bị đánh cắp sản phẩm trí tuệ do chính mình làm ra hoặc được nhận chuyển giao. Để giảm thiểu tình trạng này, Cục đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về SHTT, đồng thời soạn thảo nhiều văn bản mới nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực thi quyền SHTT.

Để đảm bảo được lợi ích quốc gia, đồng thời tôn trọng các điều ước quốc tế về SHTT, cần phải xây dựng và ban hành Luật SHTT như một đạo luật chuyên ngành thống nhất, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến quyền SHTT. Trước thực tiễn đó, ngày 29/11/2005, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật SHTT (số 50/1005/QH11) bao gồm 6 phần, 18 Chương, 22 Điều. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động SHTT trong nước. Cùng với Bộ luật Dân sự 2005, hai văn bản này đã tạo thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh và thống nhất về quyền SHTT thay thế cho các quy định trước đây. Đây chính là bước đệm quan trọng cho quá trình gia nhập WTO cũng như quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong tương lai, góp phần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sáng tạo, phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Trong quá trình xây dựng Luật SHTT, Cục cũng nhận thấy rõ giá trị của TSTT đối với doanh nghiệp và đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng tình hình quản lý TSTT của doanh nghiệp Việt Nam để có được bức tranh tổng thể. Trên cơ sở đó, Cục đã trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét một Chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh quá trình xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển TSTT của doanh nghiệp. Ngày 4/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT của doanh nghiệp”. Chương trình đã được thực hiện qua 3 giai đoạn và đang triển khai giai đoạn 4 kéo dài đến năm 2030, qua đó góp phần quan trọng vào nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ TSTT…

Hội nhập với các chuẩn mực về SHTT trong các FTA thế hệ mới

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều triển vọng phát triển mới của đất nước, đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều thị trường xuất khẩu mới và bền vững, đồng thời đem lại nhiều cơ hội đón nhận đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia. Bối cảnh mới đặt ra nhiệm vụ mới cho Cục phải xây dựng được một hệ thống quy định về SHTT không chỉ hài hòa với chuẩn mực thế giới mà còn phải đảm bảo giữ vững lợi ích quốc gia khi các hiệp định này được ký kết và chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy năng lực của doanh nghiệp trong nước và thích nghi với tình hình mới, một nhiệm vụ mới đặt ra cho Cục là gắn sự phát triển thị trường KH&CN với thực thi pháp luật về SHTT để thúc đẩy khai thác tài nguyên SHTT.

Ý thức được trọng trách đó, Cục đã có nhiều hoạt động tích cực để hiện thực hóa nhiệm vụ được giao. Cục đã có những nghiên cứu, phân tích sâu và toàn diện khi xây dựng phương án đàm phán, để bảo đảm quyền và lợi ích của quốc gia trong các phiên họp có nội dung về các FTA đa phương và song phương. Một chiến lược quốc gia về SHTT cũng được Cục nghiên cứu và xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia SHTT trên thế giới.

Trong khuôn khổ hoạt động các tổ chức mà Việt Nam là thành viên như WTO, APEC…, Cục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật quy định về SHTT của các tổ chức mà Việt Nam là thành viên cũng như xây dựng lập trường của Việt Nam phục vụ việc tham gia các phiên họp, đàm phán. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn luật SHTT phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Đến năm 2015, công tác pháp chế và chính sách quốc tế, nhất là công tác đàm phán về SHTT trong các hiệp định tự do thương mại quốc tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với việc hoàn thành 2 FTA lớn, được đánh giá là có ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống SHTT nói riêng. Đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Là cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, Cục đã nghiên cứu, phân tích sâu và toàn diện để xây dựng phương án đàm phán, bảo đảm quyền và lợi ích của quốc gia cũng như duy trì quan điểm về hệ thống SHTT phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, cân bằng giữa quyền lợi của chủ sở hữu quyền SHTT và lợi ích chung của toàn xã hội. Các cam kết về SHTT trong các FTA mới có tác động toàn diện đến hệ thống SHTT của Việt Nam. Bởi vậy, Cục và các cơ quan thực thi khác, nhất là hải quan, tòa án đã liên tục trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật, đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống này.

Sau nhiều năm đàm phán, TPP đã được ký kết vào ngày 4/2/2016. Sau khi TPP được ký kết, Cục đã tham gia tích cực vào công tác chuẩn bị trình phê chuẩn TPP dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp. Thậm chí, trong bối cảnh Hoa Kỳ quyết định rút khỏi TPP, Cục cũng lập tức có những phương án bảo đảm thi hành các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực SHTT, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất danh mục nghĩa vụ mà Việt Nam có thể loại trừ để đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia Hiệp định.

Trong giai đoạn này, EVFTA cũng đang ở những phiên đàm phán quan trọng như việc rà soát hệ thống pháp luật trong nước để chuẩn bị thực thi EVFTA, đề xuất phương án xử lý yêu cầu thay đổi liên quan đến 6 chỉ dẫn địa lý trong danh mục 169 chỉ dẫn địa lý của EU dự định được bảo hộ theo EVFTA. Các FTA khác như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân), FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu… cũng được tích cực đàm phán để đi đến thỏa thuận và ký kết.

Có thể nói, cột mốc quan trọng nhất của hoạt động SHTT trong giai đoạn này là việc tham gia đàm phán ký kết TPP, tạo nền tảng quan trọng cho hành trình dài phía trước để Việt Nam đàm phán đưa đến ký kết được EVFTA và CPTPP. Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao mà còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Những nỗ lực đóng góp của Cục trong giai đoạn phát triển bùng nổ này được Tổng giám đốc WIPO ghi nhận là “điển hình trong việc phát triển hệ thống SHTT”.

Định hình một chu kỳ phát triển mới

Trong 5 năm gần đây, để thúc đẩy hoạt động SHTT trong nước và hài hòa quy định của Việt Nam với quốc tế - một trong những điểm then chốt để Việt Nam tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới, Cục đã chủ trì lần sửa đổi Luật SHTT lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời tiến hành xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Cụ thể, ngày 22/8/2019, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực này. Sau khoảng 2 năm không ngừng chỉnh sửa và hoàn thiện, dự thảo sửa đổi Luật SHTT đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022 với nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xác lập, bảo hộ và khai thác TSTT...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong lĩnh vực SHTT, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm của các đối tác quốc tế. Ngày 29/3/2019, tại Bangkok (Thái Lan), Cục đã đại diện cho Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019-2021 từ Indonesia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham gia hợp tác ASEAN về SHTT, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách này. Được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, Cục đã thực hiện tốt trọng trách Chủ tịch AWGIPC, chủ động, tích cực điều phối hoạt động của AWGIPC vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, linh hoạt chuyển đổi phương thức tổ chức các hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến và triển khai hoạt động hợp tác ASEAN về SHTT theo đúng lộ trình và mục tiêu đề ra. 

TH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)