Thứ tư, 13/07/2022 09:19

ISO 56000 - Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết lập nền tảng để đổi mới

TS Bùi Thị Thu Trang

Trường Đại học Thương mại Hà Nội

Với mục tiêu thúc đẩy hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả và bền vững, Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 279 đã xây dựng bộ tiêu chuẩn hướng dẫn mới với nội dung quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management - IM) và được gọi là ISO 56000. Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.

Tổng quan và lợi ích về ISO 56000

Với sự khởi đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những định hướng năng suất, khả năng cạnh tranh đã chuyển từ hiệu quả và chất lượng sang đổi mới và tinh thần kinh doanh. Trong các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, đổi mới có thể được thực hiện đối với sản phẩm, dịch vụ, quá trình, thiết bị, công nghệ, phương pháp quản lý, mô hình kinh doanh và hầu như tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng đổi mới có thể là những đổi mới nhỏ, đột phá hoặc triệt để về sau. Ngày nay, với chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng ngắn hơn, môi trường kinh doanh không ngừng phát triển, việc thúc đẩy mạnh mẽ và quản lý đổi mới đã trở nên không thể thiếu đối với tăng trưởng năng suất bền vững. Theo đuổi sự đổi mới có thể sẽ là thách thức nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 bao gồm các tiêu chuẩn như: i) ISO 56000:2020: quản lý đổi mới - các nguyên tắc cơ bản và từ vựng; ii) ISO 56002:2019: quản lý đổi mới - hệ thống quản lý đổi mới - hướng dẫn. iii) ISO 56003:2019: quản lý đổi mới - các công cụ và phương pháp để hợp tác đổi mới - hướng dẫn; ISO/TR 56004:2019: đánh giá quản lý đổi mới - hướng dẫn; ISO 56005:2020: quản lý đổi mới - các công cụ và phương pháp quản lý tài sản trí tuệ - hướng dẫn. Ngoài ra, các tiêu chuẩn đang trong quá trình xây dựng gồm: ISO 56006: quản lý đổi mới sáng tạo - quản lý chiến lược thông minh; ISO 56007: quản lý đổi mới sáng tạo - quản lý ý tưởng; ISO 56008 bao gồm các công cụ và phương pháp để đo lường hoạt động đổi mới.

ISO 56000 - Hỗ trợ doanh nghiệp quản lý đổi mới sáng tạo.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tuy vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện nhưng đó không phải là lý do để doanh nghiệp bỏ qua những tiêu chuẩn hiện đã ban hành. Các tiêu chuẩn ISO 56000 được thiết kế và soạn thảo bởi Tổ chức ISO - cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia. ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung nhằm thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới. Đồng thời, đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, và các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế. ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường…

Sự cần thiết của ISO 56000 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Những lợi ích khi ứng dụng ISO 56000 vào doanh nghiệp có thể kến đến như: giúp lãnh đạo các doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về quản lý đổi mới sáng tạo như cách họ quản lý sở hữu trí tuệ, duy trì kiến thức và sự hiểu biết và quản lý các ý tưởng. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái quản lý đổi mới sáng tạo. Với ISO 56000, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có quy mô và các tập đoàn đa quốc gia sẽ: suy nghĩ lại về cách họ quản lý mối quan hệ với các đối tác đổi mới sáng tạo; quản lý các phương pháp họ sử dụng để đạt được thành công trong đổi mới sáng tạo; tìm hiểu cách thức đào tạo về quản lý đổi mới sáng tạo và khám phá lý do tại sao cần thực hiện các hoạt động đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo. Những tiêu chuẩn này có thể không dễ dàng áp dụng, nhưng sẽ trở nên rất cần thiết. Theo khảo sát từ các doanh nghiệp, 84% giám đốc điều hành nói rằng thành công trong tương lai của họ là phụ thuộc rất nhiều vào sự đổi mới sáng tạo, trong khi 95% các đổi mới sản phẩm bị thất bại. Cho đến nay, sau nhiều thập kỷ, đã có một bộ tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo được quốc tế công nhận dành cho các tổ chức thuộc các ngành nghề khác nhau.

Khi so sánh tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 56000 có thể thấy sự giống nhau ở điểm: cả hai đều nhằm mục đích tạo ra giá trị cho các bên quan tâm và như vậy, rất quan trọng đối với sự thành công của một tổ chức. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc lẫn nhau và kết nối theo nghĩa là một tổ chức có thể cần phải đổi mới để cải thiện chất lượng và đồng thời, đảm bảo chất lượng của các quá trình đổi mới của nó. ISO 56000 bổ sung cho ISO 9001 bằng cách tạo ra một mô hình hoàn chỉnh để đạt được thành công bền vững và lâu dài đối với tất cả các tổ chức.

Như vậy, để doanh nghiệp có thể kết hợp ISO 56000 thì mỗi doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ theo 8 nguyên tắc cốt lõi sau đây: i) Hiện thực hóa giá trị; ii) Tầm nhìn tương lai của nhà lãnh đạo; iii) Định hướng chiến lược; iv) Văn hóa đổi mới sáng tạo; v) Khai thác tri thức; vi) Quản lý rủi ro; vii) Khả năng thích ứng; viii) Phương pháp tiếp cận hệ thống. Đồng thời, để việc triển khai hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo có hiệu quả, sự cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo là đặc biệt cần thiết. Đây cũng chính là yếu tố giúp thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo, văn hóa hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Có thể khẳng định, ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp thiết lập được nền tảng để đổi mới trong doanh nghiệp của họ. Việc xây dựng một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt là điều rất quan trọng, không chỉ để tuân thủ mà còn đảm bảo rằng những ý tưởng tốt nhất luôn được nuôi dưỡng và thực hiện đúng cách. Một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quản lý chiến lược đổi mới của họ để họ có thể kết nối, xử lý các con số và lập kế hoạch ra mắt sản phẩm mới sao cho không bị thất bại.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)