Thứ tư, 13/07/2022 08:15

Khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Đề án Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tầm nhìn 2045 (SDMD2045), mới đây, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khoa học và công nghệ (KH&CN) trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã chia sẻ thông tin về hiện trạng, tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển lĩnh vực thủy sản ở vùng ĐBSCL, làm cơ sở lý luận và thực tiễn hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn đến năm 2045.

Vựa thủy sản và vị thế trung tâm của ĐBSCL

ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái…, đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017 và Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định các vấn đề và giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của nước ta, tầm nhìn 2045, trong đó ĐBSCL sẽ “tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm...”. Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản quý II sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021), quý III cũng đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 33%) và cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2021). Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,5-2,6 tỷ USD, cá ngừ gần 1 tỷ USD, mực - bạch tuộc khoảng 650 triệu USD, còn lại các hải sản khác khoảng 1,6 tỷ USD.

Ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của vùng với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và quốc gia. Đặc biệt, Trường Đại học Cần Thơ đang triển khai dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2015-2022 do Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ cùng sự phối hợp với 9 trường đại học đối tác ở Nhật Bản nhằm tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D). Nhà trường cũng đang tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật (pha 2) do JICA hỗ trợ, cũng như các chương trình nghiên R&D khác. Với cơ hội và thách thức mới hiện nay, cùng với định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng của Đảng và Chính phủ, Trường Đại học Cần Thơ đã chủ trì xây dựng và triển khai Đề án Phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD2045) nhằm nối kết và hợp tác với đối tác liên quan trong và ngoài nước để: (i) tổ chức các diễn đàn thường niên, (ii) triển khai các chương trình/dự án R&D,  (iii) xây dựng trung tâm thông tin, tư vấn KH&CN nhằm góp phần phát triển bền vững ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung.

Diễn đàn SDMD 2045 do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng và chủ trì đang được bắt đầu triển khai với nhiều hoạt động. Thứ nhất, Diễn đàn quốc tế về Phát triển bền vững ĐBSCL sẽ được tổ chức thường niên 2 năm 1 lần và Diễn đàn SDMD 2022 là diễn đàn đầu tiên sẽ được tổ chức vào 30/10/2022 tại Trường Đại học Cần Thơ. Thứ hai, Tọa đàm trực tuyến thường kỳ sẽ được tổ chức mỗi quý, vào tháng 3, 6, 9 và 12 hàng năm với các chủ đề khác nhau. Chủ đề tọa đàm quý II được tổ chức ngày 30/6/2022 vừa qua có chủ đề “KH&CN trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” nhằm thảo luận về xu hướng phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và bền vững; những thành tựu mới về KH&CN nghệ trong lĩnh vực thủy sản; cơ chế liên kết, hợp tác để phát triển ngành thủy sản trong vùng…

Khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển vùng

GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, thế giới đang bước vào thời đại phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thời đại của toàn cầu hóa, hội nhập - hợp tác và phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững bên cạnh những thách thức lớn như an ninh - an toàn lương thực, tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và môi trường, dịch bệnh… Vì vậy, đẩy mạnh hợp tác là xu hướng quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp thiết này. Trước thách thức trên, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đã được ban hành. Trong đó, Trường Đại học Cần Thơ là đại điện cho cơ sở đào tạo, KH&CN của vùng. Tại Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu lần thứ 3 (ngày 13/3/2021) tại TP Cần Thơ nhằm sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 120, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn đối thoại khoa học phát triển bền vững ĐBSCL tầm nhìn 2045 (Diễn đàn SDMD 2045).

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong quá trình phát triển, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã bám sát mục tiêu phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đã tập trung tái cơ cấu trên các phương diện chủ đạo như tái cơ cấu ngành gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm các đối tượng chủ lực; đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng thành tựu của KH&CN nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị chuỗi sản phẩm; chuyển đổi mô hình canh tác từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng KH&CN tiên tiến và tái cơ cấu theo định hướng và tín hiệu của thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc nuôi trồng thủy sản trong vùng đa phần vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao còn ít; việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào nuôi trồng, chế biến sản phẩm thủy sản nhằm làm gia tăng giá trị chưa nhiều…

Do đó, để phát triển bền vững, trong thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tăng cường công tác thông tin KH&CN cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tiếp nhận các thành quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu tiến tới hội nhập và phát triển.

Trần Minh Phú

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)