Thứ ba, 05/07/2022 11:18

Những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế số Việt Nam

Carolyn Turk

Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Kinh tế số là một trong những động lực thúc đẩy và giúp doanh nghiệp chèo lái qua những thời điểm khó khăn, đặc biệt là khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong 2 năm qua. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế số cần chú ý một số yếu tố và vấn đề đặt ra: hạ tầng số, doanh nghiệp số, nền tảng số công cộng, kỹ năng số, dịch vụ tài chính số, môi trường đảm bảo tin cậy, chuyển đổi số bao trùm.

Kinh tế số giúp doanh nghiệp chèo lái qua những thời điểm khó khăn

Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 giúp chúng ta thấy rõ hơn về vai trò quan trọng của công nghệ số trên khắp toàn cầu, từ việc cung cấp dịch vụ công cho đến hỗ trợ các doanh nghiệp chèo lái qua những thời điểm khó khăn nhất. Những người dân và doanh nghiệp chưa có kỹ năng số, chưa được kết nối và chưa có thiết bị kết nối đang gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ trực tuyến, các cơ hội mới đến từ nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, những quốc gia đã đầu tư vào các nền tảng cơ bản trong lĩnh vực kinh tế số đều có khả năng ứng phó với đại dịch tốt hơn và có thể đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của chính quyền và doanh nghiệp. Điều này đã thể hiện ở một số quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore. Vì cả hai quốc gia trên đều có những nền tảng số công cộng của chính phủ nên họ có điều kiện tốt hơn nhằm triển khai nhanh chóng các chương trình bảo trợ xã hội mở rộng, đồng thời duy trì dịch vụ công liên tục qua các kênh trực tuyến và công nghệ số.

Chuyển đổi số cũng được coi là một trong những chủ đề quan trọng, góp phần đáng kể vào nguyện vọng nâng cao năng suất và đa dạng hóa trong nền kinh tế, bao gồm chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến sang các lĩnh vực dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu suất và năng suất trong các lĩnh vực truyền thống, như nông nghiệp.

Những yếu tố quan trọng và vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế số của Việt Nam

Hạ tầng số

Mục tiêu là có được hạ tầng cần thiết, có chất lượng cao và trong khả năng chi trả nhằm duy trì tăng trưởng bền vững trong các dịch vụ số và đẩy mạnh lượt truy cập internet, bao gồm truy cập vào các trung tâm dữ liệu và hạ tầng băng thông rộng. Việt Nam đã làm rất tốt việc cung cấp khả năng kết nối cơ bản, năm 2021 có khoảng 77% dân số đã có thuê bao di động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị cho mô hình mới là nền kinh tế dữ liệu toàn cầu. Chính vì vậy, đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, mạng 5G, bao gồm cả nền tảng điện toán đám mây và các nền tảng trao đổi dữ liệu là chìa khóa mở ra cánh cửa để Việt Nam gặt hái được những thành quả của nền kinh tế số.

Đầu tư cho hạ tầng dữ liệu, mạng 5G là chìa khóa mở ra cánh cửa để Việt Nam gặt hái được những thành quả của nền kinh tế số.

Doanh nghiệp số

Yếu tố này đặt ra mục tiêu là phải đạt được một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp có các giải pháp số và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, hoặc mô hình sản xuất kinh doanh số. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang tiến tới mốc 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, có khả năng ươm tạo một số kỳ lân như Momo. Đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp đã lên đến mức kỷ lục 1,3 tỷ USD trong năm vừa qua. Như TP Hồ Chí Minh, hoạt động xúc tác đổi mới sáng tạo đang được thực hiện nghiêm túc, thành phố đã công bố kế hoạch hỗ trợ 3.000 doanh nghiệp địa phương tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo trong thời gian đến năm 2025. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) có tiêu đề “Quy định về thị trường số để thúc đẩy số hóa và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ở Việt Nam” thì số lượng các doanh nghiệp có hoạt động nhờ vào dữ liệu của Việt Nam còn dưới mức bình quân trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đó là dấu hiệu cho thấy việc áp dụng công nghệ số thâm dụng dữ liệu còn hạn chế. Cụ thể là chỉ có 7% doanh nghiệp số có trụ sở tại Việt Nam là những doanh nghiệp hoạt động nhờ vào dữ liệu trong khi tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 13%, đây là chỉ báo cho thấy Việt Nam chủ yếu có các doanh nghiệp số tương tác với khách hàng, nhưng còn thiếu các doanh nghiệp hoạt động dựa vào dữ liệu ở tầm tiên tiến hơn.

Đến cuối năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng số mới, các nền tảng số đã và đang giúp nhiều doanh nghiệp tồn tại qua đại dịch. Đáng chú ý là doanh số thương mại điện tử đã vượt qua con số 11,8 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 18%. Tuy nhiên, khảo sát gần đây của WB về áp dụng công nghệ cho thấy chỉ có 20% doanh nghiệp ở Việt Nam áp dụng đầy đủ quy trình nghiệp vụ số để thực hiện các chức năng quản trị doanh nghiệp chung như tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất, bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng. Để tiếp tục đẩy mạnh doanh nghiệp số, Việt Nam có thể tham khảo đặc trưng trong hệ sinh thái Singapore bao gồm vai trò chỉ đạo rất chủ động của chính phủ nước này, đảm bảo mạng lưới các trường đại học được tích hợp chặt chẽ vào hệ sinh thái, đồng thời chú trọng đẩy mạnh đầu tư. Tất cả những điều đó góp phần giúp cho hệ sinh thái của Singapore đạt giá trị lên đến 25 tỷ USD ngay từ năm 2019.

Nền tảng số công cộng

Mục tiêu phát triển nền tảng số công cộng là đảm bảo nền tảng sẵn có ở mức cao hơn, áp dụng các nền tảng số đảm bảo an toàn và vận hành liên thông nhằm cung cấp dịch vụ công và tư nhân theo từng sự kiện trong vòng đời của doanh nghiệp và người dân. Chỉ trong 2 năm (2020-2021), khoảng 50% trong số 6.800 dịch vụ công đã được tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhưng nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến lại khá thấp: chưa đến 15% giao dịch dịch vụ công được thực hiện theo phương thức số. Vấn đề này nêu lên một thông điệp là Việt Nam cần tiếp tục hài hòa giữa cải cách thể chế về quy trình nghiệp vụ với các cơ hội về công nghệ nhằm quản trị quốc gia hiệu quả hơn trong thời đại số. Điều đó cũng có nghĩa phải tăng cường chia sẻ dữ liệu trong thực tế và theo quy định cả trong nội bộ giữa các cơ quan của Chính phủ và với bên ngoài cho công chúng, tiếp tục đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ trong cung cấp dịch vụ và áp dụng các giải pháp công nghệ linh hoạt hơn trong khu vực công.

Kỹ năng số

Mục tiêu của phát triển kỹ năng số là hình thành được lực lượng lao động có năng lực số và công dân có trình độ số. Trên cơ sở dữ liệu đặc thù được xây dựng dựa trên sự hợp tác với nền tảng LinkedIn (dữ liệu từ 140 quốc gia với 247 nhóm kỹ năng và trên 10.000 nghề nghiệp), chúng tôi nhận thấy, các kỹ năng số ở Việt Nam phổ biến hơn so với các quốc gia ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, xin lưu ý là nghiên cứu này vẫn là chưa hoàn thiện. Một nghiên cứu khác cho thấy, chỉ có khoảng 40% lực lượng lao động ở Việt Nam được cho là có kỹ năng số cơ bản, trong khi nhu cầu thì rất lớn (khoảng 2/3 nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao và trung bình ở Việt Nam phải có trình độ số).

Mục tiêu của Việt Nam nói chung là phát triển các kỹ năng cơ bản mà người dân cần có, sao cho họ có thể tận dụng, mở rộng, và thích ứng những kỹ năng đó nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi công nghệ. Đồng thời nhu cầu đặt ra là cải cách về chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, thiết kế chương trình học, kết nối có hệ thống hơn giữa giáo dục trung học và sau trung học. Điều quan trọng nữa là phải đẩy mạnh phối hợp giữa chính quyền và khu vực tư nhân, qua đó giúp xác định những kỹ năng nào đang có nhu cầu nhất, bao gồm trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng số nâng cao hơn.

Dịch vụ tài chính số

Phát triển dịch vụ tài chính số là nhằm nâng cao khả năng truy cập và sử dụng các dịch vụ tài chính. Thanh toán số đang ngày càng trở nên phổ biến, và điều này được thể hiện qua sự xuất hiện của mã QR và ví điện tử. Trong năm qua, có khảng 1,86 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã được thực hiện. Con số này đang tăng trưởng nhanh chóng (164% trong năm 2019 và 169% trong năm 2020). Điều đáng khích lệ nữa là Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm hoàn thành hệ thống định danh số quốc gia, đó sẽ là nền tảng để áp dụng các dịch vụ tài chính số. Đây chính là yếu tố có vai trò quan trọng để Việt Nam làm chủ và khai thác các dịch vụ tài chính số.

Môi trường đảm bảo tin cậy

Thiết lập sự tin cậy trong môi trường số thông qua sử dụng dữ liệu theo quy tắc và các hệ thống số có khả năng chống chịu cao hơn sẽ tạo ra một môi trường đảm bảo tin cậy. Ví dụ, các mô hình doanh nghiệp mới và các giao dịch dựa vào công nghệ số đòi hỏi phải có khung pháp lý và môi trường tạo thuận lợi để giúp làm chủ dữ liệu và tạo ra giá trị. Điều quan trọng cần làm là lồng ghép các khía cạnh an ninh mạng trong những nỗ lực hiện nay và trong tương lai nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp.

Chuyển đổi số bao trùm

Ngoài các yếu tố quan trọng và những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế số nêu trên, còn có các vấn đề liên ngành khác cần cân nhắc như chuyển đổi số bao trùm. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của các dịch vụ số trong dịch Covid-19 qua các dịch vụ của Grab và các công ty tương tự, tăng thêm lượt người mua sắm trực tuyến là cách để giúp giảm nhẹ một số tác động trong giai đoạn đóng cửa doanh nghiệp. Nhóm hộ nghèo có tốc độ tăng số lượt mua sắm trực tuyến mới cao hơn vì các hộ giàu vốn đã mua sắm trực tuyến từ trước. Nhưng đáng tiếc là vẫn có sự gián đoạn lớn trong giáo dục, vẫn còn khoảng cách về học trực tuyến bằng công nghệ số, chi trả trợ giúp xã hội vẫn chưa được thực hiện bằng công nghệ số và tỷ lệ các hộ kinh doanh áp dụng công nghệ vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp chính thức, đó là một số ví dụ về những thách thức cần xử lý. Bất bình đẳng gia tăng hậu Covid-19 là một quan ngại trên toàn cầu và chúng ta cần nỗ lực đảm bảo chuyển đổi số bao trùm.

Điều quan trọng là khung đánh giá và những chi tiết cụ thể trong những yếu tố trên còn tiếp tục thay đổi vì công nghệ xung quanh chúng ta cũng như môi trường tạo thuận lợi cho công nghệ vẫn đang thay đổi. Chính vì vậy, Chính phủ cùng các đối tác phát triển cần tiếp tục đầu tư vào kiến thức và tri thức mới. Ví dụ, WB đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu trên toàn cầu nhằm tìm hiểu cách thức các quốc gia phản ứng đối với những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và mạng 5G. Mục tiêu của nghiên cứu là để doanh nghiệp và người dân vừa có thể tiếp thu những công nghệ đó, nhưng đồng thời vừa có thể xử lý những quan ngại về bảo mật cá nhân, thiên kiến, bất bình đẳng, an ninh và an toàn.

*

*        *

Có thể nói, nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, để khơi thông, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình này đòi hỏi sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ Việt Nam cần: 1) tạo ra được hạ tầng số cần thiết, có chất lượng cao và trong khả năng chi trả; 2) có được một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp có các giải pháp số và doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, hoặc mô hình sản xuất kinh doanh số; 3) phát triển nền tảng số công cộng ở mức cao hơn; 4) hình thành được lực lượng lao động có năng lực số và công dân có trình độ số; 5) nâng cao khả năng truy cập và sử dụng các dịch vụ tài chính; 6) thiết lập sự tin cậy trong môi trường số thông qua sử dụng dữ liệu theo quy tắc và các hệ thống số có khả năng chống chịu cao hơn; 7) chuyển đổi số bao trùm.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)