Thứ năm, 07/07/2022 15:09

NARIME: 60 năm đóng góp cho sự phát triển ngành cơ khí đất nước

Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) tiền thân là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí được thành lập ngày 6/7/1962. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, NARIME đã không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D), đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành cơ khí đất nước. Đây là khẳng định của TS Phan Đăng Phong - Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng NARIME tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập được tổ chức ngày 6/7/2022 tại Hà Nội.

Thương hiệu NARIME

Ngày 6/7/1962, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 76/TTg thành lập Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí (tiền thân của NARIME hiện nay) thuộc Bộ Công nghiệp Nặng. Năm 1971, Viện đổi tên thành Viện Thiết kế máy Công nghiệp; năm 1978, đổi tên thành Viện Nghiên cứu Máy và đến năm năm 1997 chính thức mang tên NARIME trực thuộc Bộ Công Thương. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, NARIME đã trở thành một cái tên quen thuộc trong ngành cơ khí; một thương hiệu uy tín trong việc thiết kế, xây dựng nhà máy, trong việc cung cấp dịch vụ thiết kế, cung cấp máy móc thiết bị mới, cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy, các công trình công nghiệp trong nước; một địa chỉ tin cậy để Chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài trao cho các dự án quan trọng; một đơn vị có năng lực về công nghệ cao để các bạn hàng trong và ngoài nước tin tưởng liên danh, hợp tác thực hiện các dự án lớn, quan trọng và có độ phức tạp cao.

PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - nguyên Viện trưởng NARIME cho biết, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Viện, có thể thấy rằng, thương hiệu Viện đã được xây dựng và phát triển ngay từ khi thành lập và không ngừng được củng cố qua các thời kỳ. Ở giai đoạn đầu, về đội ngũ lãnh đạo viện có thể nói đây là đội ngũ xuất chúng, là những cán bộ ưu tú cả về chuyên môn và phẩm chất, nhiều lãnh đạo Viện đã trưởng thành, phát triển và được phân công giữ những nhiệm vụ quan trọng của ngành cơ khí cũng như của đất nước, nhiều lãnh đạo Viện được đào tạo tại nước ngoài, có được học hàm, học vị cao và được mời tham gia các vị trí quan trọng tại các ban tư vấn cho Chính phủ về khoa học, công nghệ và phát triển công nghiệp nước nhà. Đội ngũ các cán bộ chuyên môn của Viện tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng có tiếng trong và ngoài nước, đã không ngừng trường thành từ việc thực hiện các dự án lớn, nhỏ của đất nước, từ việc học tập nâng cao trình độ với các khóa học ngắn hạn, dài hạn.

Ở giai đoạn đầu, NARIME đã tham gia thực hiện những dự án lớn của đất nước như: thiết kế các loại nhà máy và máy móc thiết bị trong các ngành công nghiệp (máy kéo, động cơ nổ, t động cơ thủy, bơm nước phục vụ công trình thủy lợi, turbin thủy điện, kho lạnh cho chế biến thủy sản, các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện nhỏ…). Những máy móc, thiết bị, công trình, dự án do Viện thiết kế đã đáp ứng nhu cầu thị trường, hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ Bộ và Nhà nước giao phó, đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh cũng như khi đất nước bị cấm vận. Lúc này, Viện đã là địa chỉ tin cậy để Đảng, Chính phủ giao cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, thương hiệu Viện đã được hình thành. Giai đoạn khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang vận hành theo nền kinh tế thị trường, việc có được thương hiệu mạnh là điều cực kỳ cấp thiết để tồn tại và phát triển, giai đoạn này Viện hầu như không còn các công việc được giao bởi Nhà nước, phải tự tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng, và một lần nữa các lãnh đạo Viện giai đoạn này đã xây dựng được cơ chế tự chủ, đã lãnh đạo Viện vượt qua những khó khăn của việc tìm kiếm công ăn việc làm, để làm quen và thực hiện những dự án với các khách hàng thuộc mọi thành phần kinh tế, mặc dù có những va vấp ban đầu, nhưng thương hiệu Viện tiếp tục được củng cố và khẳng định qua những hợp đồng kinh tế.

Để tạo dựng thương hiệu, Viện tập trung xây dựng năng lực để đưa ra được giải pháp phù hợp cho các dự án; xây dựng một ý thức trách nhiệm cao trong toàn thể lãnh đạo và cán bộ; phát huy vị thế là Viện Nhà nước, làm tốt công tác tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành trong phát triển công nghiệp; liên danh, liên kết với các công ty nước ngoài để học hỏi nhận chuyển giao công nghệ. Slogan “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến” đã phần nào phản ánh được tôn chỉ và mục đích hoạt động của Viện. Trước hết, về xây dựng năng lực, Viện tập phát triển năng lực về tư vấn, thiết kế, công nghệ cao nhằm có đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM các công trình dự án; có đủ năng lực thiết kế, chế tạo được những máy móc, thiết bị công nghệ cao. Viện xác định công tác tư vấn, thiết kế cho các dự án lớn cho các ngành thủy điện, nhiệt điện, đóng mới giàn khoan, khai thác, chế biến khoáng sản; dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa cho các nhà máy điện, xi măng, khai thác, chế biến khoáng sản; thiết kế, chế tạo các máy móc thiết bị công nghệ cao; hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền sản xuất là những định hướng trọng tâm phát triển. Hiện thực chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường năng lực làm chủ việc quản lý thực hiện dự án và chế tạo trong nước máy móc thiết bị thay thế nhập ngoại, Viện đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cơ chế, chính sách cho Chính phủ để đưa ra được cơ chế, chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp, đã tham gia vào ban chỉ đạo, tổ công tác xây dựng, biên soạn cơ chế, chính sách về nội địa hóa cho nhà máy điện nguyên tử, xi măng, nhiệt điện, thủy điện, bô xít, ô tô, xe máy… Trên cơ sở của những cơ chế này, tỷ lệ nội địa hóa, thiết bị máy móc, dịch vụ kỹ thuật trong ngành cơ khí tăng một cách đáng kể trong giai đoạn 2005 cho đến nay.

Với phương châm “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”, NARIME đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực cơ khí chế tạo tại Việt Nam. Thương hiệu NARIME đã gắn liền với nhiều công trình trọng điểm của đất nước, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điển hình có thể kể đến việc thiết kế, chế tạo thiết bị phụ trợ; từng bước làm chủ thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy chế biến bauxí; làm chủ việc thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng … Trong lĩnh vực thủy điện, ngoài việc tham gia đề xuất chiến lược nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, Viện còn bắt tay vào thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện, tiêu biểu là nhà máy thủy điện Sơn la (2400 MW) và Lai Châu (1200 MW). Ở lĩnh vực nhiệt điện, Viện đã làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy…

Thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời.

Chủ động hội nhập và phát triển

TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng NARIME chia sẻ, để phù hợp với xu thế phát triển chung và bắt kịp xu hướng công nghệ, định hướng phát triển giai đoạn tới của Viện sẽ được cụ thể hoá thành những giải pháp, hành động cụ thể, đó là: phát triển các hệ thống rô bốt, hệ thống kho chứa thông minh ứng dụng trong lĩnh vực kho chứa hàng công nghiệp cho ngành công nghiệp; làm chủ hoàn toàn công nghệ chế biến bô xít nhôm; đưa hệ thống phao và neo cho nhà máy điện mặt trời là mặt hàng truyền thống; chế tạo đồng bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro, xỉ, hệ thống cung cấp than, hệ thống khử lưu huỳnh cho các nhà máy nhiệt điện và đây cũng là các sản phẩm truyền thống của Viện…. TS Phan Đăng Phong khẳng định, bên cạnh các hoạt động R&D, Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng năng lực tư vấn, thiết kế và chế tạo thiết bị công nghệ phức tạp cho các dây chuyền thiết bị đồng bộ của một số ngành được ưu tiên phát triển, tạo năng lực cho chính mình và nhiều đơn vị vươn tới đảm nhận được vị trí tổng thầu các dự án chế tạo thiết bị đồng bộ; mở ra một hướng đi mới trong các hoạt động của Viện và tác động tích cực tới sự phát triển của ngành cơ khí. Viện cũng chủ động, tích cực đảm nhận những công trình có ý nghĩa chính trị, kinh tế to lớn, như thủy điện, nhiệt điện, giàn khoan dầu khí, khai thác khoáng sản, năng lượng mới, công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, các hệ thống kho tự động… Qua đó, góp phần chủ động trong quá trình đầu tư và làm giảm đáng kể giá thành đầu tư, đem lại lợi ích trực tiếp, gián tiếp cho đất nước.

Với bề dày truyền thống, sự nỗ lực đổi mới sáng tạo của tập thể NARIME, cùng sự chỉ đạo, ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, hy vọng trong thời gian tới, NARIMR sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào các chương trình phát triển kinh tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng là viện đầu ngành về cơ khí, tự động hoá của đất nước.

Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)