Thứ năm, 07/07/2022 14:56

Dấu ấn thành công về hợp tác quốc tế trong KH&CN giữa Việt Nam và UNESCO

Trịnh Quỳnh Trang

Vụ Hợp tác quốc tế

Trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN), tận dụng cơ hội để phát triển đất nước. Trung tâm Vật lý Quốc tế (ICP) và Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (ICRTM) ra đời dưới sự bảo trợ của UNESCO là một dấu mốc khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Đồng thời, đây cũng là thành quả minh chứng cho những nỗ lực và thành công của công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong KH&CN.

Việt Nam - UNESCO: mối quan hệ lâu dài, bền chặt

UNESCO có 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên, hoạt động dựa trên sự tôn trọng các giá trị chung nhằm tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn minh, văn hóa. Nhiệm vụ của UNESCO là đóng góp vào việc xây dựng hòa bình, xóa nghèo, phát triển bền vững và đối thoại liên văn hóa thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin liên lạc và thông tin. Hiện nay, UNESCO đang tập trung vào những ưu tiên toàn cầu: châu Phi và bình đẳng giới, cùng một số mục tiêu tổng thể như: nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả mọi người và học tập suốt đời; huy động các kiến thức khoa học và chính sách cho phát triển bền vững; giải quyết những thách thức về đạo đức và xã hội đang nổi lên; thúc đẩy đa dạng văn hóa, đối thoại giữa các nền văn minh, xây dựng nền văn hóa hòa bình, xã hội tri thức toàn diện thông qua thông tin và truyền thông.

Năm 1977, Chính phủ Việt Nam thành lập Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp  của  Bộ Ngoại giao, để đảm nhiệm việc thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn thành viên UNESCO của Việt Nam và thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trong UNESCO. Uỷ ban có nhiệm vụ nghiên cứu và trình lên Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về phương hướng, chính sách, chương trình và kế hoạt hoạt động của Việt Nam đối với UNESCO cũng như phối hợp và điều hoà hoạt động của các ngành có liên quan tới UNESCO. Từ năm 1978, Việt Nam đã cử Phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh tổ chức UNESCO tại Paris và từ năm 1982 cử cấp đại sứ làm Trưởng Phái đoàn.

Kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của UNESCO trong nhiều lĩnh vực. Thời gian gần đây, quan hệ hợp tác giữa 2 bên ngày càng phát triển cả về lượng và chất.

Đối với lĩnh vực KH&CN, 2 bên hợp tác để thúc đẩy cơ hội tiếp cận kiến thức, phương pháp cũng như thành quả khoa học nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Nhiều chương trình được triển khai như đẩy mạnh vai trò của các khu dự trữ sinh quyển trong việc bảo đảm kinh tế và an ninh ở Việt Nam; nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; hỗ trợ cộng đồng tự chủ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai; đẩy mạnh giáo dục, KH&CN làm nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững; tăng cường và củng cố các hoạt động giới thiệu thành tựu KH&CN; nâng cao nhận thức, năng lực và xúc tiến du lịch địa chất đối với các công viên địa chất và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật… Những chương trình trên đã và đang đóng góp vào chiến lược phát triển tri thức của đất nước, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Việt Nam và UNESCO cũng hợp tác để hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của giới nghiên cứu cũng như nhà hoạch định chính sách về xã hội, khoa học. Trong đó, UNESCO hỗ trợ Việt Nam thiết lập và nâng cao chương trình quản lý xã hội; xúc tiến cách tiếp cận thích hợp về văn hóa để hỗ trợ chính sách đô thị hòa nhập; tăng cường nhận thức về bảo tồn và phát triển tại trung tâm đô thị có giá trị lịch sử cùng hiểu biết về đạo đức trong KH&CN; nâng cao cơ hội cho thanh niên tham gia đời sống chính trị và dân sự...

Trung tâm khoa học dạng 2 - thành quả nổi bật từ sự hợp tác

Cuối năm 2021, ICP và ICRTM chính thức ra mắt tại Hà Nội. Hai trung tâm này thuộc dạng 2 trong mạng lưới các trung tâm khoa học của UNESCO. Sự kiện này không chỉ khẳng định thành quả tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO, mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới. Mạng lưới các trung tâm khoa học của UNESCO được chia thành 2 dạng: dạng 1 và dạng 2. Trung tâm dạng 1 có sứ mệnh tiếp nhận cán bộ khoa học từ các nước đang phát triển đến học tập, nghiên cứu khoa học. Trung tâm dạng 2 có tầm nhìn, sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo trong chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với chính sách, chiến lược của UNESCO.

Trước đó, khi xây dựng đề án phát triển các trung tâm khoa học quốc tế, cùng với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN đã đề xuất lựa chọn lĩnh vực Toán học và Vật lý với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan liên quan của Việt Nam và UNESCO. Trong phiên họp lần thứ 38 năm 2015 với 195 nước thành viên, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua việc thành lập và bảo trợ ICP và ICRTM. Ngay sau khi được thành lập, 2 trung tâm đã tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế dưới hình thức các lớp học, hội nghị, hội thảo, tài trợ tài năng trẻ của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, hướng tới một số nước trong khu vực Châu Phi - nơi vật lý và toán học còn đang phát triển; đồng thời bước đầu tổ chức các nhóm và thực hiện các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, các hoạt động góp phần quảng bá tri thức khoa học cho cộng đồng cũng được quan tâm nhằm đa dạng hóa hoạt động của 2 trung tâm.

Đến nay, ICP đã xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh với 30 đề tài nghiên cứu và 32 công trình khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín, tổ chức 8 lớp học quốc tế, 11 hội nghị quốc tế lớn. Trong khi đó, ICRTM phát triển 10 đề tài nghiên cứu xuất sắc và 20 công trình khoa học, 10 khóa đào tạo quốc tế, 30 đoàn công tác song phương, 25 hội thảo quốc tế với sự tham dự của hơn 300 nhà khoa học và 500 học viên. Trung tâm cũng tổ chức Ngày Toán học quốc tế, Ngày Sách Việt Nam, Ngày KH&CN Việt Nam… Trong thời gian tới, 2 trung tâm sẽ có các mảng hoạt động chính gồm: (1) Đào tạo vật lý và toán học trình độ quốc tế; (2) Nghiên cứu vật lý và toán học trình độ quốc tế; (3) Tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục và tuyên truyền cho công chúng về lĩnh vực vật lý và toán học.

Hiện UNESCO công nhận 98 trung tâm khoa học dạng 2, trong đó có 49 trung tâm thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Việt Nam cùng với Malaysia, Thái Lan và Indonesia là 4 nước của ASEAN có trung tâm dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ. Hai trung tâm ICP và ICRTM được kỳ vọng sẽ giúp đưa khoa học Việt Nam hội nhập, thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh thế giới đến học tập tại Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu khoa học cơ bản và nhiều lĩnh vực khác.

Thành công của công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong KH&CN

Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã khẳng định Việt Nam hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc; nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại là phục vụ các mục tiêu quốc gia về phát triển, an ninh và nâng cao vị thế đất nước. Nói một cách khác, “đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội”, là một kênh để hợp lực với nội lực thực hiện thành công chủ trương, chính sách quốc gia. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN cũng có vai trò như vậy. Trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, KH&CN giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN ngày càng được chú trọng với mục đích góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước theo chuẩn quốc tế, rút ngắn khoảng cách công nghệ với thế giới, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường tiềm lực KH&CN cho Việt Nam. Thêm vào đó, hợp tác quốc tế về KH&CN còn là một thành tố trong các hoạt động ngoại giao của đất nước khi các hiệp định hợp tác toàn diện, hiệp định đối tác chiến lược của Việt Nam với một số nước đã lấy KH&CN làm trụ cột.

Quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN đã được đặt ra và thể chế hóa đầu tiên trong Luật KH&CN Việt Nam năm 2000. Luật đã dành riêng một chương để quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN (Chương V), đánh dấu mốc quan trọng của quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 cũng dành Chương VIII tiếp tục quy định về nội dung này nhưng được nâng cấp về quy mô quản lý. Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao đều có các quy định tạo hành lang để quản lý hợp tác quốc tế về KH&CN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phê duyệt một số đề án, chương trình, tạo thêm công cụ quản lý như Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 40/QĐ-TTg ngày 7/01/2016), Đề án hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020 (Quyết định 735/QĐ- TTg ngày 18/5/2011); hoặc một số chương trình quốc gia như Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020 (Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 16/4/2014), Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài đến năm 2020 (Quyết định 1069/QĐ-TTg ngày 4/7/2014).

Trong giai đoạn 2000-2020, quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN nằm trong xu hướng cải cách đổi mới của nền hành chính công quốc gia theo hướng dân chủ, vững mạnh và từng bước hiện đại hóa. Chính phủ thống nhất quản lý vĩ mô trong cả nước bằng hệ thống pháp luật, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ; định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và cung cấp dịch vụ công; phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương. Nhà nước định hướng bằng sự phát triển các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường; phát huy các nguồn lực của xã hội cho phát triển; giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp; tách chức năng quản lý hành chính của Nhà nước khỏi hệ thống cơ quan sự nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ công cộng trong đó có KH&CN.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số nghị quyết trong đó có những định hướng quan trọng cho hợp tác quốc tế về KH&CN. Đầu tiên là 3 văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X và XI đều đề cập đến KH&CN, phát triển kinh tế và đối ngoại quốc gia; trong đó có các yếu tố liên quan đến phát triển hợp tác quốc tế về KH&CN. Ví dụ như KH&CN là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nhà nước thúc đẩy ứng dụng sáng tạo những công nghệ nhập khẩu; gắn ứng dụng KH&CN với sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế cần chủ động, giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế….

Những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo ra hành lang pháp lý, đồng thời đã vạch rõ những mục tiêu rõ ràng cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, giúp hiện thực hóa những cam kết quốc tế hóa của Chính phủ. Một trong những ví dụ nổi bật là 2 sự ra đời trung tâm ICP và ICRTM. Thành công này không những giúp Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á, mà còn tăng cường hợp tác với các nước phát triển và đang phát triển khác thông qua mạng lưới của UNESCO, giúp Việt Nam nâng cao vị thế về KH&CN trong khu vực và quốc tế. Việc duy trì hoạt động hiệu quả của ICP và ICRTM cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với sự phát triển của khoa học cơ bản trong khu vực và thế giới.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)