Thứ sáu, 24/06/2022 16:36

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh

Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) (sau đây gọi tắt là Luật SHTT 2022), đã được Quốc hội thông qua với 476/477 tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, Luật SHTT 2022 có phạm vi khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Để hiểu rõ hơn về Luật SHTT 2022, phóng viên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục SHTT xung quanh Luật này.

Phó Cục trưởng Cục SHTT Nguyễn Văn Bảy

Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, vậy lần sửa đổi này có điểm gì mới so với trước đây thưa ông?

Luật SHTT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Đây là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2009 chủ yếu nhằm bảo đảm sự phù hợp với điều ước quốc tế trong khuôn khổ WTO; còn sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhằm thực hiện một số cam kết quốc tế phải thi hành ngay theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nội dung sửa đổi này chủ yếu đáp ứng những cam kết phải thi hành ngay tại thời điểm đó, vì thế đối với các cam kết mà Việt Nam được hưởng thời gian chuyển tiếp như trong Hiệp định CPTPP hay cam kết theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có nhiều quy định hiện hành không phù hợp. Bên cạnh đó, thực tiễn 16 năm thi hành một số quy định của Luật SHTT cũng bộc lộ nhiều bất cập, bối cảnh phát triển cũng đã có nhiều thay đổi khi Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Do đó, khác với 2 lần sửa đổi trước đây, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật SHTT 2022.

 

Xin ông cho biết các chính sách lớn về SHTT được sửa đổi trong lần này?

Nội dung sửa đổi của Luật SHTT 2022 tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, gồm:

(1) Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể: các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thuận lợi hơn.

(2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả.

 (3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

(4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT. Các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể: bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu)...

(5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT. Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; quy định điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định SHTT với giám định tư pháp về SHTT; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định SHTT.

(6) Nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo SHTT.

(7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập. Theo đó, Luật SHTT 2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm...

Trong các sửa đổi lớn mà ông vừa nêu, theo ông đâu là nội dung thu hút sự quan tâm nhiều nhất của xã hội?

Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật nhất của Luật SHTT 2022 thu hút  nhiều sự quan tâm, góp ý của đại biểu Quốc hội là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền SHTT do Nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Trong bối Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc sửa đổi Luật SHTT 2022 đã tập trung vào nội dung gì để bảo hộ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật SHTT 2022, từ khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.

Một trong bốn mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật SHTT 2022 là nhằm thi hành các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây. Các đề xuất để bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa những linh hoạt mà các điều ước cho phép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Hay nói cách khác, các quy định trong Luật SHTT 2022 được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, các quy định trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền SHTT của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, hay các quy định trong chính sách về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT hoặc chính sách về nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT cũng giúp cho việc thực thi quyền SHTT nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Với những nội dung nêu trên, hy vọng rằng Luật SHTT được sửa đổi lần này sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền SHTT, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Đồng thời, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về SHTT sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin hội nhập vào sân chơi chung của thế giới.

Thực hiện: Công Thường

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)