Kết quả nổi bật trong giai đoạn 2011-2020
Giai đoạn 2011-2020, hoạt động KH&CN của Hà Nội đã góp phần phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu phát triển của thị trường, doanh nghiệp và đời sống xã hội, đã góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công - nông nghiệp, dịch vụ và tăng trưởng chung của thủ đô (giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP đạt 6,93%; giai đoạn 2016-2020 đạt 6,73%). Đồng thời, đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và triển khai trên cơ sở phát huy năng lực của đội ngũ trí thức và đề xuất giải pháp cho những vấn đề nổi cộm của TP.
Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật với các ngành kinh tế trọng điểm của thủ đô. Đối với ngành công nghiệp: đã nghiên cứu, chế tạo thành công một số dây chuyền công nghệ thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; bước đầu hình thành một số trung tâm gia công CAD/CAM/PLC/CNC làm hạt nhân cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp và làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo. Đối với ngành nông nghiệp: đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn cho người sử dụng (mô hình sản xuất nấm kim châm sử dụng công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao tại huyện Ứng Hòa…); bảo tồn và phát triển các loại cây đặc sản (phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hà Tây, hồng xiêm Xuân Đỉnh…), sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao (lan hồ điệp, hoa ly, hoa hồng…); duy trì và phát triển các giống lúa chất lượng, có khả năng chịu hạn và sâu bệnh tốt, năng suất ổn định, điển hình là: mô hình lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên… cho thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống khoảng 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai… cho giá trị từ 0,5-1 tỷ/ha/năm...
Thị trường KH&CN tiếp tục được đẩy mạnh, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững. Với hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội, TP đặc biệt quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm lực trí tuệ, tiềm năng chất xám của đội ngũ trí thức để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thủ đô.
Để phát triển tiềm lực KH&CN, Hà Nội đã phối hợp với các bộ/ngành đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của TP Hà Nội vẫn còn không ít còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống cơ chế, chính sách về KH&CN chưa hoàn thiện; chưa khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện đổi mới, ứng dụng, chuyển giao, nâng cao trình độ công nghệ; chưa tạo tính tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu; kết nối hoạt động nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp còn yếu. Thị trường KH&CN chưa đạt hiệu quả như mong đợi; vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến và môi giới chuyển giao công nghệ.
Định hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới
Với mục tiêu phát triển KH&CN thủ đô đến năm 2030 đồng hành cùng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia, trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN và năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực. TP Hà Nội tiếp tục xác định những định hướng trọng tâm về phát triển KH&CN như sau:
- Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế của thủ đô theo hướng bền vững, trong đó chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
- Nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ quản trị đô thị; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thủ đô theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng.
- Nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ quản trị doanh nghiệp, đổi mới máy móc thiết bị và nâng cao trình độ công nghệ. Phát triển thị trường KH&CN lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm.
- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với bước đi thích hợp, hướng tới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho TP, từ đó, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển mà TP đã đặt ra.
Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới thành phố cần ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ về:
- Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm “sandbox” trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Phát triển tiềm lực KH&CN tập trung vào các giải pháp về tài chính và đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho kinh tế thủ đô; xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
- Phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển thị trường KH&CN; phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ; xây dựng sàn giao dịch công nghệ…; tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Những giải pháp trọng tâm
Căn cứ các định hướng, chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, phát huy thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sau:
Một là, đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dỡ bỏ các rào cản hành chính hóa hoạt động KH&CN trên địa bàn TP. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và tăng cường đầu tư ngân sách TP cho hoạt động KH&CN nhằm phân bổ nguồn lực ngân sách nhà nước tương xứng với nhu cầu phát triển KH&CN. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của thủ đô để thúc đẩy hoạt động sáng chế, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.
Hai là, khai thác, phát huy các nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Thu hút các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh việc kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp. Khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Triển khai tích cực và đồng bộ việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn với cả 3 nhóm chủ thể chính là: các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.
Ba là, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN: hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN, xây dựng giải pháp để các sáng chế được chấp nhận là tài sản trí tuệ và có thể được định giá thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng; thúc đẩy phát triển nguồn cung và kích thích cầu về hàng hóa KH&CN; phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng phục vụ phát triển thị trường KH&CN; hỗ trợ, khuyến khích thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thị trường và tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế.
Bốn là, đổi mới và hoàn thiện hệ thống tổ chức hoạt động KH&CN: rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN, giảm đầu mối trung gian, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu. Tăng cường phối hợp giữa các bên: cơ quan quản lý KH&CN, đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tính khoa học và thực tiễn.
Năm là, xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thủ đô trên cơ sở các hoạt động: hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ mới, công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường...); hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề...; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Sáu là, phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Platform) để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu trung ương và Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn các đối tác đến từ các quốc gia phát triển có nền KH&CN tiên tiến, hiện đại. Tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
*
* *
Với những kết quả nổi bật trong thời gian vừa qua, ngành KH&CN thủ đô đã khẳng định được vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hy vọng thời gian tới, với những định hướng và giải pháp trọng tâm cụ thể đã đặt ra, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò là nền tảng, động lực góp phần phát triển thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo số 409-BC/BCSĐ ngày 13/7/2020 của Ban Cán sự Đảng UBND TP về kết quả hoạt động KH&CN TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và công tác phối hợp của UBND TP và Bộ KH&CN.
2. Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
3. Luật KH&CN ngày 18/6/2013.
4. Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5. Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2012-2020.
6. Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.