Tiềm năng phát triển của hồ Ba Bể và vùng phụ cận
Khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận ngoài những đặc điểm về địa hình, khí hậu của miền núi phía Bắc, còn có những đặc điểm riêng biệt của tiểu vùng khí hậu hồ trên núi đá vôi, với nhiều phong cảnh đẹp và cấu trúc địa chất độc đáo. Trong khu vực có hai di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt là Vườn quốc gia Ba Bể và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Đây là điều kiện thuận lợi về tài nguyên tự nhiên để phát triển du lịch. Sự đa dạng về địa hình nơi đây còn tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, mang lại cho vùng nhiều đặc sản nông nghiệp.
Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, việc tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc thù theo chuỗi giá trị một cách bài bản, gắn với các dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp sẽ là một hướng đi có hiệu quả cho các địa phương trong khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận.
Khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận có dân số trên 224 nghìn người, tỷ lệ tăng dân số bình quân của toàn khu vực là khoảng hơn 2%/năm, người dân chủ yếu làm nông nghiệp (trên 90%). Nơi đây có khoảng 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó các dân tộc Tày, Dao, Mông chiếm đa số. Sự phát triển của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã tạo nên những nét văn hóa cổ truyền đặc sắc - đây cũng là một nguồn tài nguyên phi vật thể cần được bảo tồn. Thực tế cho thấy, những giá trị văn hóa đã và đang giúp thu hút khách du lịch đến với khu vực như: lễ hội, ẩm thực và sản vật địa phương. Những kiến thức bản địa trong sản xuất nông, lâm nghiệp của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn giúp cho giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp mang những nét đặc trưng mà không nơi nào có được, thu hút khách du lịch đến tham quan và khám phá.
Hiện trạng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù
Chè Shan tuyết
Tại tỉnh Bắc Kạn, khu vực nổi tiếng nhất và có diện tích lớn nhất trồng chè Shan tuyết là vùng núi Bằng Phúc của huyện Chợ Đồn. Trước đây, khu vực này chủ yếu trồng phân tán, chưa được đầu tư, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh dẫn tới năng suất thấp (chỉ khoảng 1,15 tấn/ha). Những năm gần đây, người dân nhận thức được giá trị của chè Shan tuyết nên đã tăng cường đầu tư vào loại cây trồng này. Hiện nay khu vực Bằng Phúc có khoảng 400 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm ước đạt khoảng hơn 20 tấn chè khô. Tính đến năm 2024, trên địa bàn khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận đã có 5 sản phẩm chè Shan tuyết được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể năm 2018.

Đồi chè Shan tuyết.
Ngoài ra, các huyện Na Hang và Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang (vùng phụ cận của khu vực hồ Ba Bể) cũng là vùng chè Shan tuyết có diện tích rất lớn, chất lượng cao. Tính đến năm 2024, diện tích chè Shan tuyết khu vực này đạt khoảng 600 ha, tập trung tại các xã Sinh Long, Hồng Thái (huyện Na Hang) và Thổ Bình (huyện Lâm Bình). Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đã đạt đủ các tiêu chí của sản phẩm OCOP 5 sao.
Các sản phẩm từ bí xanh thơm
Năm 2024, diện tích trồng bí xanh thơm trên địa bàn huyện Ba Bể đạt hơn 150 ha, cho sản lượng gần 6.000 tấn. Bí xanh thơm Ba Bể vừa sử dụng để ăn tươi vừa làm nguyên liệu sản xuất trà bí thơm. Từ sản phẩm quả bí xanh thơm, nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện đã sản xuất trà bí thơm để cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó sản phẩm bí xanh thơm và trà bí thơm Ba Bể của hợp tác xã Yến Dương (Ba Bể) đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đang được tiêu thụ tại hệ thống các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước.

Bí xanh thơm có thể sử dụng để ăn tươi hoặc làm nguyên liệu sản xuất trà bí thơm.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đang phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam) và UBND huyện Ba Bể tổ chức triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn.
Các sản phẩm từ lúa đặc sản
Gạo nếp Khẩu Láng (Na Hang, Tuyên Quang): Lúa nếp Khẩu Láng là giống lúa đặc sản của người dân vùng Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Người dân ở Thượng Nông, hầu hết nhà nào cũng trồng một ít lúa nếp để phục vụ nhu cầu của gia đình. Hiện nay, gạo nếp Khẩu Láng đang được Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông liên kết với bà con trong vùng để tổ chức sản xuất. Hợp tác xã đã xây dựng cơ sở, nhà xưởng chế biến gạo với hệ thống máy móc thiết bị đồng bộ từ xay xát, đóng gói đến bao bì, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Gạo Bao Thai (Chợ Đồn, Bắc Kạn) từ lâu đã được người tiêu dùng trong nước biết đến như một loại gạo đặc sản, với chất lượng đặc trưng. Năm 2011, gạo Bao Thai Chợ Đồn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, hiện đang là sản phẩm OCOP có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn. Diện tích gieo cấy lúa Bao Thai hằng năm khoảng 1.700 ha, chiếm hơn 70% diện tích lúa của huyện Chợ Đồn, cho sản lượng hơn 8.000 tấn lúa. Để nâng cao giá trị sản phẩm gạo Bao Thai Chợ Đồn, một số hợp tác xã đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác như phở khô, bún khô tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Miến dong
Dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Dong riềng được trồng chủ yếu để lấy tinh bột phục vụ chế biến miến. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn từ lâu đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 9 sản phẩm miến dong đã được chứng nhận OCOP, trong đó có một sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia (5 sao), còn lại 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00106 từ năm 2021.
Một số giải pháp phát triển trong thời gian tới
Từ những phân tích tiềm năng và hiện trạng nêu trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp khai thác tiềm năng để phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của vùng gắn với du lịch như sau:
Giải pháp kỹ thuật và công nghệ: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen các cây trồng đặc sản trong khu vực, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho người dân; ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình sản xuất an toàn, mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người dân thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo cho nông dân về kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình sản xuất sạch và cách chế biến sản phẩm để tăng giá trị gia tăng. Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm.
Giải pháp về thị trường và tiêu thụ sản phẩm: Cần đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Lấy các doanh nghiệp, hợp tác xã làm trung tâm của chuỗi liên kết. Hợp tác xã là đơn vị tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào, quy trình kỹ thuật, giám sát quá trình canh tác, bao tiêu sản phẩm và tổ chức tiêu thụ. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm để nâng cao giá trị và khả năng tiếp cận với thị trường. Kết hợp, lồng ghép với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể…). Đồng thời, cần tận dụng tốt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đa dạng hóa các kênh bán hàng, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng như qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua các nền tảng số, liên kết với các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại các đô thị lớn…
Xây dựng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch: Phát triển các mô hình trang trại du lịch, nơi du khách có thể tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây trồng đặc sản, tạo trải nghiệm thú vị và gắn kết với thiên nhiên; liên kết với các doanh nghiệp du lịch để đưa sản phẩm cây trồng đặc sản vào các tour du lịch, đưa du khách đến tham quan các vườn cây trồng đặc sản, kết hợp với trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương, từ đó tạo cơ hội tiêu thụ cho nông sản và phát triển kinh tế địa phương; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa: kết hợp phát triển cây trồng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương, như các phong tục tập quán trong sản xuất và chế biến thực phẩm.
*
* *
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận có nhiều cây trồng đặc thù có chất lượng tốt, tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để tạo ra các sản phẩm đặc thù có giá trị cao, tướng xứng với tiềm năng của vùng cần thiết phải có các giải pháp phát triển đồng bộ từ kỹ thuật, công nghệ đến thị trường và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi cần được quan tâm, đẩy mạnh.
*Bài báo là kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu phát triển sản phẩm nông lâm nghiệp đặc thù theo chuỗi giá trị phục vụ du lịch khu vực hồ Ba Bể và vùng phụ cận” (mã số ĐTĐL.CN-127/21).