S.T.I.D phục vụ cộng đồng
Với chủ đề “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng” của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/05) năm 2025, TP Huế đã thể hiện rõ vai trò là đô thị sáng tạo, thông minh, góp phần đưa KH&CN vào đời sống thực tế.

TP Huế hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Chỉ trong một thời gian ngắn, TP Huế đã gặt hái nhiều thành công đáng chú ý như: Danh hiệu “Thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” vào năm 2019 và 5 năm liên tục giành giải thưởng Sao Khuê cho nền tảng số Hue-S là minh chứng cho sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị và phục vụ người dân.
Giám đốc Sở KH&CN TP Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, các công cụ số như Hue-S, hệ thống báo cáo trực tuyến, bản đồ số... đã góp phần tăng tính minh bạch trong quản lý, tạo kết nối giữa các lĩnh vực và đem lại nhiều tiện ích thực tế cho cư dân cũng như doanh nghiệp. Tính đến nay, Thành phố đã cung cấp hơn 20 tiện ích đô thị thông minh, với hơn 1,3 triệu người sử dụng nền tảng Hue-S. Các chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý và dịch vụ công đều có sự cải thiện vượt bậc. Cụ thể, chỉ số chuyển đổi số (DTI) luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ vị trí 20 năm 2019 vươn lên hạng 8 vào năm 2023, trong khi chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tiếp tục giữ vị trí cao nhất toàn quốc.
Doanh nghiệp đồng hành cùng chuyển đổi số
Trên địa bàn Thành phố, có tới hơn 73,3% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ứng dụng nền tảng số vào quy trình sản xuất, kinh doanh và giao dịch trên môi trường kỹ thuật số. Những hệ thống công nghệ này không chỉ giúp cơ quan nhà nước cải thiện hiệu quả quản lý, mà còn mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho các đơn vị kinh doanh.
Nhà sáng lập Công ty Bạch Mã Herbals Lê Thị Như Quỳnh chia sẻ, việc sử dụng nền tảng công nghệ số đã giúp đơn vị đẩy mạnh đơn hàng, mở rộng kênh phân phối và tối ưu hóa quy trình vận hành. Không chỉ được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, các doanh nghiệp trẻ tại TP Huế còn được tiếp cận và sử dụng miễn phí nhiều nền tảng số do Thành phố đầu tư.
Tính đến nay, TP Huế có tổng cộng 359 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số và 229 doanh nghiệp khai thác hiệu quả các nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt trong các ngành giáo dục, y tế, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Kết nối nghiên cứu với đời sống thực tế
Một thành tựu nổi bật của Thành phố là tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng thực tế đạt 65%. Các sáng kiến KH&CN ngày càng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể của người dân, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, ngành KH&CN TP Huế đã tích cực triển khai nhiều dự án chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Các đề tài nghiên cứu tập trung vào chọn tạo giống cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến, phát triển mô hình chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, nhiều sản phẩm mang dấu ấn Huế đã từng bước vươn ra thị trường lớn như tinh dầu thảo dược, các chế phẩm từ sen, thanh trà, bánh truyền thống, bột ngũ cốc hữu cơ, trà thảo mộc, áo dài và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng của vùng đất cố đô.
Tạo nền tảng cho một TP Huế hiện đại và bền vững

Hướng đến mục tiêu phát triển TP Huế trở thành “Đô thị di sản có bản sắc, thông minh, thích ứng với biến đổi, xanh - sạch - đẹp, an toàn và phát triển bền vững”.
Việc hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia đã được Thành ủy Huế cụ thể hóa bằng Chương trình hành động 115-Ctr/TU ngày 24/2/2025. Đây là bước đi chiến lược nhằm tạo động lực phát triển toàn diện cho thành phố trong giai đoạn mới. Chương trình đặt mục tiêu tạo ra bước ngoặt lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, định hình lại mô hình phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả. Ngoài ra, Thành phố cũng hướng đến mục tiêu trở thành “Đô thị di sản có bản sắc, thông minh, thích ứng với biến đổi, xanh - sạch - đẹp, an toàn và phát triển bền vững”.
Theo bà Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Huế Trần Thị Thùy Yên, để triển khai thành công Nghị quyết 57, cần sự tham gia của toàn xã hội. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp là trung tâm của tiến trình chuyển đổi số, trong khi đội ngũ trí thức và các nhà khoa học giữ vai trò then chốt trong quá trình đổi mới, sáng tạo và phát triển công nghệ.
Từ những nền tảng đã đạt được, TP Huế đang tiếp tục xây dựng chiến lược dài hạn để phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số một cách đồng bộ. Việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, giữa di sản và đổi mới sáng tạo, sẽ là chìa khóa để TP Huế phát triển thành đô thị thông minh có bản sắc, đóng vai trò đầu tàu trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Xuân Bình