Thứ ba, 31/05/2022 11:34

Bình Phước: Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu

TS Trần Quốc Hoàn

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu trong thời kỳ hội nhập và bùng nổ kinh tế tri thức, tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, với nhiều nội dung đổi mới và phù hợp với thực tiễn phát triển. Bài viết giới thiệu khái quát về kế  hoạch này và hoạt động phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu tại Bình Phước hiện nay.

Những kết quả nổi bật

Trong giai đoạn 2010-2020, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua các nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai như: “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước giai đoạn 2012-2013”, “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước” của tỉnh Bình Phước thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thực hiện trong 2 năm 2014- 2015”, các hợp phần liên quan đến xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”...

Một số sản phẩm chủ lực của Bình Phước đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh và đặc thù của địa phương đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn Thanh Lương”, “Nhãn tiêu da bò Thanh Lương”... Tính đến nay đã có trên 200 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Một số tài sản trí tuệ tiêu biểu của người dân cũng đã được hỗ trợ để ứng dụng vào thực tiễn như: cơ cấu ngăn mùi hố ga của tác giả Tạ Tuấn Minh (thị xã Bình Long); hệ thống phun thuốc cao áp của nông dân Mai Văn Cúc (huyện Chơn Thành), máy vặt hạt điều của thợ cơ khí Ngô Ngọc Quang (huyện Bù Đốp)...

Nhiều sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sau khi được tư vấn đăng ký bảo hộ thành công quyền SHTT đã được tỉnh hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP đạt thứ hạng cao ở cấp tỉnh, được hỗ trợ miễn phí tham gia một số hoạt động xúc tiến thương mại quy mô cấp tỉnh và quốc gia để quảng bá thương hiệu.

Một số hạn chế, vướng mắc

Hiện nay, đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh Bình Phước còn ở mức trung bình thấp của cả nước (xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và thấp nhất khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 17/19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục SHTT, tính từ khi tái lập tỉnh đến ngày 31/12/2020, tổng số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Bình Phước đã công bố là 874 (gồm: 49 sáng chế, giải pháp hữu ích; 17 kiểu dáng công nghiệp; 808 nhãn hiệu hàng hoá); tổng số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cấp là 425 (gồm: 16 sáng chế, giải pháp hữu ích; 9 kiểu dáng công nghiệp; 400 nhãn hiệu hàng hoá). Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh mặc dù khá sôi động nhưng chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng vẫn còn hạn chế, ít sản phẩm, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh.

Trong giai đoạn 2010-2015, tuy tỉnh Bình Phước đã ban hành được chính sách về SHTT nhưng mới lồng ghép với các chính sách khác của ngành KH&CN mà chưa có chính sách riêng để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu. Các chính sách này này mới chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT, chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ sau khi được bảo hộ, dẫn tới hạn chế trong việc khai thác các tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế, giải pháp hữu ích, giải pháp đoạt giải tại các cuộc thi sáng tạo về KH&CN còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai ứng dụng vào thực tiễn và thương mại hoá.

Từ năm 2015 đến nay, việc hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền SHTT chưa thực hiện được do tỉnh chưa xây dựng được chính sách quy định về định mức cụ thể hỗ trợ cho từng đối tượng. Việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chỉ được thực hiện hiện thông qua một số nhiệm vụ KH&CN từ nguồn trung ương và địa phương nhưng cũng rất hạn chế.

Các chính sách trước đây của tỉnh cũng như các quy định của Bộ Tài chính về nguồn kinh phí và định mức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu đến nay đều đã hết hiệu lực. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 01/12/2020 về việc triển khai thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa phải là chính sách quy định về cơ chế tài chính và định mức cụ thể nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc lập dự toán và triển khai hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu. Trong khi đó, nhu cầu cần được hỗ trợ là rất lớn (gần như 100% các tổ chức, cá nhân khi liên hệ với Sở KH&CN để tư vấn đăng ký bảo hộ quyền SHTT đều có mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện).

Chính sách hỗ trợ trong thời gian tới

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu, nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, ngày 30/9/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Để triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chính sách này. Mục tiêu của Kế hoạch là: “Làm giàu tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ nhằm góp phần tạo nên bước chuyển về phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác tiềm năng tài sản trí tuệ, thương hiệu của những sản phẩm chủ lực vào cải thiện giá trị GDP của tỉnh”. Đối tượng áp dụng là những tổ chức, cá nhân (trừ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) có hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ cần được bảo hộ trên địa bàn tỉnh.

Chính sách hỗ trợ dựa trên nguyên tắc: những tài sản trí tuệ được hình thành theo phương thức hỗ trợ bằng những nhiệm vụ KH&CN sẽ được hỗ trợ 100% từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN. Những nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu khác (không thuộc nhiệm vụ KH&CN) sẽ được hỗ trợ theo định mức cụ thể, trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN. Việc hỗ trợ được thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý tài chính, có kế hoạch chi trả được phê duyệt hàng năm, có quy chế, quy trình hỗ trợ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các loại hình tài sản trí tuệ chính được hỗ trợ là: đăng ký chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của tỉnh; chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm có giá trị, có hiệu quả cao và những sản phẩm OCOP của tỉnh; chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm có giá trị, hiệu quả và những sản phẩm OCOP của tỉnh; chứng nhận nhãn hiệu thông thường cho những sản phẩm có giá trị, được phép tiêu thụ trên thị trường; đăng ký giấy chứng nhận sáng chế cho những giải pháp hữu ích; đăng ký giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp cho những sản phẩm công nghiệp; giấy chứng nhận kế bố trí mạch tích hợp cho những sản phẩm dạng mạch tích hợp; chứng nhận bản quyền tác giả cho sản phẩm, tác phẩm; giống cây trồng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cho địa phươn và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; sản phẩm, giải pháp đạt giải ở các cuộc thi từ cấp tỉnh trở lên.

Ngoài ra, Kế hoạch còn hỗ trợ cho các hoạt động về: (i) quản lý tài sản trí tuệ và phát triển doanh nghiệp KH&CN; (ii) chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (iii) hỗ trợ tiếp cận thông tin quản lý tài sản trí tuệ, thương hiệu; (iv) hỗ trợ phát triển phần mềm quản lý tài sản trí tuệ và thương hiệu; (v) thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. (vi) quảng bá thương hiệu và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu.

Nội dung của Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố có liên quan theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý. Trong đó, Sở KH&CN là đơn vị đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch. Hàng năm, tỉnh điều chỉnh lại Kế hoạch cho sát với tình hình thực tế, trong đó kinh phí được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN, ngân sách của địa phương, nguồn vốn nhiệm vụ của Bộ KH&CN, nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân.

Nhìn chung Kế hoạch đã thể hiện được mục tiêu rõ ràng, có nội dung bao quát về hoạt động SHTT; cụ thể hóa được các nguyên tắc, loại hình tài sản trí tuệ; nội dung, điều kiện, định mức và phương thức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Hy vọng rằng, trong thời gian tới đây sẽ là công cụ đắc lực đưa chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ vào thực tiễn cuộc sống ở Bình Phước; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)