Thứ hai, 16/05/2022 14:43

Cà Mau: Hỗ trợ các sản phẩm đặc thù, đặc sản địa phương về sở hữu trí tuệ

Các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, những “thương hiệu” mang tính cộng đồng, có danh tiếng và uy tín chất lượng từ lâu truyền lại; mang đến giá trị tiềm năng to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở cả mặt xã hội. Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm đặc sản địa phương, tạo động lực cho sự phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động vào thị trường; đồng thời giữ gìn và phát huy được danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.

Lợi ích cho doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật, việc đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT là không bắt buộc. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc bảo hộ quyền SHTT. Khi tạo ra một sáng chế, giải pháp hữu ích, một kiểu dáng công nghiệp hay sử dụng một nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể nộp đơn yêu cầu bảo hộ đối tượng đó và khi được cấp văn bằng bảo hộ, đối tượng đó trở thành tài sản của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của mình, thông qua đó sẽ xác lập được quyền sở hữu đối với thương hiệu của doanh nghiệp. Ý thức được tầm quan trọng nêu trên, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cà Mau đã tham mưu, phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng, bảo hộ và phát triển các đối tượng SHTT, điển hình gồm:

Công tác thông tin, tuyên truyền: đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật SHTT thông qua nhiều hình thức: triển khai dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên Đài phát thanh - Truyền hình Cà Mau xuyên suốt từ năm 2011 đến nay; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn; công tác hướng dẫn, giải đáp pháp luật được thực hiện thường xuyên thông qua hình thức tư vấn trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân liên quan và thực hiện tuyên truyền qua các kênh thông tin như Trang thông tin điện tử của Sở; Chuyên mục KH&CN trên Báo Cà Mau... Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức cho các tổ chức, cá nhân về xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, giai đoạn 2011-2021, Cà Mau đã nộp đăng ký bảo hộ cho 32 đơn sáng chế, 4 đơn giải pháp hữu ích, 28 đơn kiểu dáng công nghiệp, 812 đơn nhãn hiệu; được Cục SHTT cấp 2 văn bằng sáng chế, 3 văn bằng giải pháp hữu ích, 17 văn bằng kiểu dáng công nghiệp và 571 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Công tác tham mưu, phối hợp xây dựng, ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ: đã phối hợp, tham mưu các văn bản cụ thể hóa văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động ở địa phương, đặc biệt là các văn bản hiện đang triển khai thực hiện như: Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2021 và 3 Chương trình KH&CN giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Quyết định số 3055/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

Theo đó, Sở KH&CN Cà Mau đã hỗ trợ xây dựng 6 dự án nhãn hiệu tập thể: Cá khoai Cái Đôi Vàm - Cà Mau, Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau, Chuối khô Trần Hợi, Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau, Đũa đước Mũi Cà Mau; Than đước Mũi Cà Mau; hỗ trợ xây dựng 14 dự án nhãn hiệu chứng nhận: Gạo Tép hành - Cà Mau, Gạo Tài nguyên đục - Cà Mau, Gạo Một bụi lùn - Cà Mau, Lúa sạch Thới Bình, Chuối Xiêm sinh thái Cà Mau, Mực sông Đốc Cà Mau, Cá thòi lòi Đất Mũi - Cà Mau, Cá bớp Hòn Chuối - Cà Mau, Lúa sinh thái Cà Mau, Khô cá lóc - Cà Mau, Muối trắng Tân Thuận - Đầm Dơi, Mắm cá mào gà - Đầm Dơi, Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau, Ba khía - Cà Mau; hỗ trợ xây dựng dự án chỉ dẫn địa lý cho 2 sản phẩm: xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” dùng cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau (đã được cấp giấy chứng nhận) và xây dựng chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” dùng cho sản phẩm cua thương phẩm của tỉnh Cà Mau (Dự án hiện đang triển khai thực hiện).

Việc xây dựng và thực hiện các dự án thuộc Chương trình đã mang lại cho các doanh nghiệp giá trị kinh tế cao như: quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra công chúng, phát triển và với việc đăng ký, xác lập và bảo hộ quyền SHTT đã từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm bảo hộ trên thị trường… giá trị sản phẩm tăng lên rõ rệt từ 20-50%, riêng sản phẩm  “Mật ong U Minh Hạ” từ khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, giá bán mật ong đã tăng lên đến 200%.

Để được hỗ trợ tham gia Chương trình xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương nêu trên, đối với việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, muốn sử dụng các nhãn hiệu chung, các tổ chức, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc thù, đặc sản địa phương có thể đăng ký tại UBND các huyện/thành phố để tổng hợp đăng ký về Sở KH&CN xét duyệt, hình thành nên các nhiệm vụ để thực hiện việc bảo hộ các sản phẩm đặc thù, đặc sản của tỉnh. Đối với 77 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận thời gian qua, Sở KH&CN đã thống kê có 14 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu (chủ yếu là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận). Hiện tại, Sở đã và đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có các cơ sở tham gia OCOP áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và đăng ký bảo hộ quyền SHTT.

Giải pháp cho thời gian tới

Mặc dù đã có mức gia tăng nhất định, nhưng việc sử dụng nhãn hiệu đã bảo hộ chưa được người sản xuất quan tâm nhiều, giá trị của sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng và danh tiếng của nó. Các đơn vị thu mua chỉ quan tâm đến số lượng, chất lượng và giá bán. Hầu hết, các sản phẩm tiêu thụ trên thị trường chỉ mang nhãn hiệu riêng của đơn vị thu mua, việc gắn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ rất ít xuất hiện trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, việc khai thác các tài sản trí tuệ còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức, tập thể trong việc kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ. Công tác kiểm tra giám sát còn hạn chế, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa Ban quản lý và cơ sở sản xuất, thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa rõ ràng. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chủ yếu bán sản phẩm thô, giá cả đầu ra chưa ổn định. Cơ sở vật chất có bước phát triển nhưng chủ yếu thực hiện theo cách truyền thống, chưa được nâng cấp, cải tiến. Thiếu sự liên kết, thống nhất về quy trình sản xuất của các thành viên, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm mang nhãn hiệu.

Trong thời gian tới, để chủ động xây dựng và triển khai các nhiệm vụ SHTT trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở thế mạnh và các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Sở KH&CN sẽ tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030 và các biện pháp nhằm gắn kết với đổi mới sáng tạo, qua đó gia tăng cả về số lượng và chất lượng đối với các sản phẩm đặc thù, đặc sản để tham tham gia OCOP, cụ thể như: triển khai xây dựng Trạm khai thác thông tin sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) nhằm khai thác, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT cho các tổ chức, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN, phối hợp với các viện, trường, hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền SHTT; hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ về SHTT; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian nhằm khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và kiến thức về bảo hộ quyền SHTT, chủ động bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác; xúc tiến xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh trong việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt đăng ký ra nước ngoài đối với các hàng hóa, sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao (ưu tiên việc áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh); tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau (giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030) trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, cải tiến bao bì, nhãn mác... Đó cũng là những tiêu chí để các tổ chức, cơ sở sản xuất các sản phẩm đặc thù, đặc sản đạt được sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Văn Ngoan

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)