Chủ nhật, 15/05/2022 09:50

Giải pháp phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; tạo môi trường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa Kiên Giang kết nối kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế.

Kiên Giang nằm tận cùng ở phía Tây Nam của Việt Nam, là một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng, hang động và biển đảo với nhiều danh lam thắng cảnh như Hà Tiên, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, rừng U Minh Thượng, Hòn Đất…, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc. Đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm có gắn nhãn hiệu hàng hóa, trên 50 sản phẩm gắn nhãn hiệu tập thể, 4 sản phẩm/dịch vụ gắn nhãn hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tỉnh Kiên Giang, đặc biệt có sản phẩm nước mắm Phú Quốc được gắn Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc - Chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 108 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-4 sao của OCOP, trong đó 6 sản phẩm có tiềm năng đạt tiêu chuẩn 5 sao OCOP quốc gia. Sản phẩm gắn các nhãn hiệu này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, được xem là một phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Để đảm bảo phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT

Tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội: sử dụng đa dạng các kênh thông tin và phương tiện truyền thông nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT. Xây dựng các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, bài viết tuyên truyền về SHTT trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Kiên Giang, Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, Website ngành KH&CN và các phương tiện truyền thông khác; biên tập, biên soạn các ấn phẩm, tài liệu thông tin về SHTT.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai toàn diện các nội dung của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030 (Chương trình); phối hợp với Cục SHTT, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao về kiến thức SHTT cho các cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, khai thác và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, tập thể là chủ sở hữu, chủ thể quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về SHTT

Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng hồ sơ bảo hộ quyền SHTT trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố về thực thi quyền SHTT trên địa bàn tỉnh như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về SHTT; xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trong điều kiện cụ thể của ngành, địa phương; đề xuất các sản phẩm của làng nghề, hợp tác xã, địa phương tham gia Chương trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số. Nâng cao hiệu quả thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT; tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn và cung cấp thông tin về SHTT cho người dân và doanh nghiệp; huy động và khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển sáng chế, giải pháp hữu ích và các sản phẩm có lợi thế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ SHTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền SHTT; thúc đẩy phát triển dịch vụ giám định SHTT và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền SHTT.

Tăng cường đầu tư hỗ trợ hoạt động tạo lập, khai thác và phát triển bảo hộ SHTT đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tham mưu đề xuất, đặt hàng và phê duyệt triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp về tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh và sản phẩm của doanh nghiệp. Hàng năm, tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về tạo lập, khai thác và phát triển bảo hộ SHTT nhằm tiến tới tạo lập được cơ bản nhãn hiệu SHTT đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và các sản phẩm OCOP của tỉnh, khai thác và phát triển đối với một số sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh đã được bảo hộ quyền SHTT, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Chương trình OCOP của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025.

Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn năng lực bảo hộ SHTT đối với các tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.

Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình

Hỗ trợ các đối tượng, chủ thể tham gia Chương trình thông qua việc thành lập mới, kiện toàn các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng có sự tham gia của cộng đồng, như thêm số thành viên, cổ đông, chuyển đổi loại hình cơ sở sản xuất thành hợp tác xã, doanh nghiệp. Mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp có điều kiện và năng lực đưa vào sản xuất các sản phẩm mới trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, khai thác tối đa điều kiện đất đai, cơ sở vật chất (nhà xưởng, thiết bị), nhân lực, nguyên liệu... theo nhu cầu thị trường. Đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Nguyễn Xuân Niệm

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)